Tổng thống bị ám sát, người kế nhiệm chết vì COVID-19, Haiti rơi vào khủng hoảng
Vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise đã gây chấn động dư luận trong nước và thế giới. Quốc gia Caribe với khoảng 11 triệu dân, nhiều người trong số họ đang sống trong cảnh nghèo đói và bạo lực gia tăng, hiện đang đối mặt với một tương lai vô cùng bất định.
Theo kênh CNN (Mỹ), Tổng thống Haiti Jovenel Moise đã bị “một nhóm người chưa xác định, một số người trong đó nói tiếng Tây Ban Nha” ám sát tại nhà riêng vào rạng sáng 7/7 (theo giờ địa phương). Vợ ông, Đệ nhất phu nhân Martine Moise cũng bị bắn trọng thương và đã được đưa đến Mỹ để điều trị.
Ngay sau vụ ám sát kinh hoàng, Thủ tướng lâm thời Haiti Claude Joseph đã lên nắm quyền lãnh đạo đất nước. Ông Joseph lập tức ban bố tình trạng thiết quân luật trên khắp đất nước và nhấn mạnh ông không muốn Haiti “chìm trong hỗn loạn”.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch hội đồng thẩm phán Jean Wilner Morin của Haiti, với tình hình bất ổn chính trị ở nước này, hiện chưa thể biết ai sẽ kế nhiệm vị trí của tổng thống quá cố.
Ông Morin cho biết Chánh án tòa án tối cao sẽ kế nhiệm tổng thống khi có biến cố xảy ra, tuy nhiên người giữ vị trí này là ông René Sylvestre' lại vừa qua đời vì COVID-19. Đám tang của ông sẽ diễn ra vào 8/7.
Trong khi đó, Thủ tướng lâm thời Claude Joseph muốn chính thức kế nhiệm tổng thống thì phải được Quốc hội Haiti thông qua. Tuy nhiên, vì các cuộc bầu cử không được tổ chức, Quốc hội hiện đã giải tán, do đó theo hiến pháp thì ông Joseph cũng không thể kế nhiệm.
Chủ tịch hội thẩm phán Morin cho biết có một kịch bản kế nhiệm khác có thể xảy ra: “Tiền lệ là vào năm 2015, chính chủ tịch Quốc hội đã trở thành tổng thống. Tuy nhiên, hiện Haiti không có quốc hội nên không ai giữ chức chủ tịch quốc hội. Hiện 1/3 thượng viện vẫn còn tồn tại nên có thể tính đến khả năng lãnh đạo thượng viện Joseph Lambert được chọn. Dù vậy, tới nay đó vẫn là dấu hỏi”.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 7/7, Thủ tướng lâm thời Claude Joseph kêu gọi người dân Haiti hết sức bình tĩnh. Ông cho biết “tình hình an ninh trong nước vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát của Cảnh sát Quốc gia và Lực lượng vũ trang Haiti”.
Ông Joseph cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế "mở cuộc điều tra về vụ ám sát và Hội đồng Bảo an của Liên hợp quốc tổ chức một họp về vấn đề Haiti càng sớm càng tốt."
Vụ ám sát Tổng thống Moise diễn ra trong bối cảnh bất ổn chính trị đang gia tăng ở Haiti. Nhiều vai trò chủ chốt trong chính phủ của đất nước đang bị bỏ trống và Quốc hội không còn tồn tại một cách hiệu quả. Hơn nữa, phong trào đối lập Haiti từ lâu đã kêu gọi ông Moise từ chức.
Trong khi đó, bạo lực tội phạm gần đây đã leo thang ở thủ đô Port-au-Prince, bao gồm các cuộc tấn công có chủ đích vào cảnh sát và đốt phá nhà dân. Cựu cảnh sát Jimmy Cherizier đã tuyên bố vào tháng 6 trước truyền thông địa phương sẽ thực hiện một "cuộc cách mạng" trong thành phố. Tháng đó, trên13.000 người đã rời bỏ nhà cửa của họ ở Port-au-Prince để đến các nơi trú ẩn tạm thời, theo Liên Hợp Quốc.
Haiti không chỉ rơi vào khủng hoảng chính trị mà còn thường xuyên phải đối mặt đói nghèo, thiên tai. Gần đây bất ổn gia tăng với các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc hồi đầu năm.
Đại dịch COVID-19 cũng đang bùng phát mạnh ở Haiti. Tháng trước, Giám đốc Tổ chức Y tế Pan American, Tiến sĩ Carissa Etienne, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn cấp hỗ trợ nước này chống lại đại dịch.
Haiti đã phải đối mặt với tình hình kinh tế tồi tệ trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Nền kinh tế của nước này suy giảm thêm 3,8% vào năm 2020, khoảng 60% dân số hiện đang sống trong cảnh nghèo đói, theo Ngân hàng Thế giới.
Tình trạng bạo lực gia tăng gần đây ở thủ đô cũng đã khiến nhiều người dân phải đối mặt với nhiều rối ren, làm phức tạp công việc của các nhóm viện trợ quốc tế trong việc tiếp cận những người dễ bị tổn thương.
Phản ứng trước vụ việc của Tổng thống Haiti, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã gọi vụ ám sát này là một "tội ác kinh hoàng" và cam kết chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ đứng về phía người dân Haiti.
"Đó là một tội ác kinh hoàng. Chúng tôi rất lấy làm tiếc cho sự mất mát mà tất cả người dân trên đất nước này đang phải chịu đựng và đang trải qua. Chúng tôi sẵn sàng sát cánh bên họ để cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ cần thiết nào”, bà Psaki nói.