Tổng thống Biden chặn đường né thuế của giới nhà giàu Mỹ ra sao
Tổng thống Mỹ Joe Biden không chỉ muốn tăng thuế đối với các cá nhân giàu có tại Mỹ. Ông còn có thể chặn mọi lỗ hổng nhằm ngăn họ né thuế.
Theo Bloomberg, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện sự quyết tâm tăng thuế đối với người giàu. Kể từ những năm 1970, tài sản của giới nhà giàu Mỹ tăng vọt. Mục đích của Kế hoạch Gia đình Mỹ của ông Biden là sử dụng những điều khoản và phối hợp các bộ phận cùng lúc để tăng thuế.
Nếu ông có thể xoay sở để kế hoạch được thông qua, các chiêu trò né thuế được nhiều người giàu tại Mỹ sử dụng sẽ mất tác dụng. Nhà Trắng hứa hẹn "kế hoạch không chỉ đảo ngược khoản giảm thuế lớn hồi năm 2017, mà còn cải cách mã số thuế, khiến giới nhà giàu cũng phải tuân theo những quy tắc giống mọi người".
Chính quyền Tổng thống Biden muốn tăng thuế thặng dư vốn lên 39,6% đối với những cá nhân có thu nhập hơn 1 triệu USD/năm. Cộng 3,8% thuế Medicare bổ sung trên thu nhập đầu tư, tổng mức thuế sẽ tăng tới 43,4%.
Bịt mọi lỗ hổng
Thặng dư vốn (lợi nhuận mà nhà đầu tư thu được khi bán tài sản vốn với mức giá cao hơn giá mua) thường khó bị đánh thuế. Người trả thuế chỉ phải chịu thuế vào thời điểm bán tài sản.
Nếu người nắm giữ tài sản không bán trước khi chết, họ sẽ không phải trả bất cứ khoản thuế nào. Những người thừa kế cũng chỉ bị đánh thuế đối với thu nhập có được kể từ thời điểm thừa kế.
Goldman Sachs ước tính 1% hộ gia đình giàu nhất nước Mỹ có tới 1.500 tỷ USD thặng dư vốn chưa thực hiện (chỉ tính riêng cổ phiếu). Nếu Quốc hội Mỹ chỉ tăng thuế và không làm gì khác, doanh thu của chính phủ sẽ sụt giảm 33 tỷ USD trong vòng một thập kỷ. Nguyên nhân là giới nhà giàu không bán tài sản để né thuế.
Để bịt lỗ hổng thuế, ông Biden tuyên bố những cá nhân giàu có sẽ không thể xóa thuế thặng dự vốn sau khi qua đời. Như vậy, người thừa kế vẫn phải chịu thuế đối với lợi nhuận tính từ thời điểm mua ban đầu đến lúc bán.
Một khi không thể né thuế, các cá nhân giàu có sẽ không trì hoãn bán tài sản. Điều đó có thể giúp doanh thu chính phủ tăng thêm 113 tỷ USD, theo tính toán của ông John Ricco, Phó giám đốc Phân tích Chính sách tại Penn Wharton Budget Model.
Tổng thống Mỹ cũng muốn chặn đường né thuế của các doanh nghiệp thông qua Kế hoạch Việc làm Mỹ. Thuế doanh nghiệp cao hơn (ông Biden đề xuất tăng từ 21% lên 28%) sẽ khiến nhiều công ty chuyển lợi nhuận sang những quốc gia có mức thuế thấp. Điều đó có thể tước đi nguồn thu của Bộ Tài chính Mỹ. Do vậy, Washington đã nỗ lực thuyết phục các quốc gia khác ký mức thuế tối thiểu toàn cầu.
Theo một kế hoạch đang được thảo luận giữa Mỹ và các quốc gia châu Âu, nếu một quốc gia thiên đường thuế như Quần đảo Cayman không đánh thuế lợi nhuận doanh nghiệp, quốc gia đặt trụ sở chính của công ty có thể thu thuế đối với lợi nhuận thu được từ thiên đường này.
Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được thông qua năm 2017 đa phần giảm thuế cho người giàu. Trong khi đó, ông Biden tăng sức ép lên những cá nhân có thu nhập trên 400.000 USD/năm, chủ yếu đối với người kiếm hơn 1 triệu USD/năm.
Kế hoạch Gia đình Mỹ của ông nhắm vào người nghèo và tầng lớp trung lưu, bao gồm 2 năm học mẫu giáo miễn phí, 2 năm đại học cộng đồng miễn phí, nghỉ phép gia đình và y tế được trả lương, tự động gia hạn bảo hiểm thất nghiệp trong thời kỳ suy thoái, kéo dài vĩnh viễn các khoản khấu trừ thuế cho dịch vụ chăm sóc trẻ em và bảo hiểm sức khỏe của Kế hoạch Giải cứu Mỹ.
Ông Biden cũng nỗ lực bịt lỗ hổng lãi thực hiện, vốn cho phép các quỹ đầu cơ và công ty cổ phần tư nhân né thuế bằng cách coi thu nhập là thặng dư vốn thay vì thu nhập thông thường.
Việc tăng thuế thặng dư vốn thực chất đã đủ sức để bịt lỗ hổng đó. Tuy nhiên, ông Biden còn yêu cầu Quốc hội Mỹ loại bỏ khái niệm lãi thực hiện để chặn hoàn toàn đường né thuế.
Đảo ngược xu hướng giảm thuế
Tổng thống Mỹ cũng muốn xóa bỏ khoản giảm thuế được gọi là hệ thống 1031. Hệ thống cho phép nhà đầu tư đổi một bất động sản lấy một bất động sản khác mà không phải chịu nghĩa vụ thuế.
Cùng với đó là đẩy mạnh thực thi các luật thuế hiện hành. Ông Charles Rettig - Ủy viên Sở thuế Mỹ (IRS) - hôm 13/4 cho biết Mỹ có thể thất thoát khoảng 1.000 tỷ USD thuế mỗi năm. Nguyên nhân chủ yếu là các tập đoàn lớn và giàu có trốn thuế, theo ông Rettig.
Nhà Trắng trích dẫn một nghiên cứu chỉ ra 1% người giàu nhất nước Mỹ đã không báo cáo 20% thu nhập của họ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng chính quyền của ông Biden cũng gặp khó trong việc siết chặt thực thi.
"Việc thu thập dữ liệu tài khoản ngân hàng để tăng cường thực thi luật thuế có thể nhấn chìm IRS trong một biển thông tin không hiệu quả", ông Steven Rosenthal, thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách Thuế Urban-Brookings, nhận định.
Theo ông Garrett Watson, nhà phân tích chính sách cấp cao tại Tax Foundation, giới nhà giàu có thể trì hoãn bán tài sản để trách việc trả thuế thặng dư vốn cao và chờ đợi chính quyền mới. Một số nghị sĩ đảng Dân chủ cũng bày tỏ sự thất vọng khi ông Biden không tăng thuế quà tặng và di sản.
Mặt khác, nhiều người phản đối đề xuất tăng thuế của tổng thống Mỹ. "1% đang đóng hơn 40% thuế thu nhập liên bang. Từng đó vẫn chưa đủ hay sao?", ông Edward Yardeni, Chủ tịch Yardeni Research Inc., chỉ trích.
Hôm 30/4, nhà kinh tế Erica York chỉ trích chính quyền ông Biden "đang theo đuổi các biện pháp tăng thuế không hiệu quả, có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và giảm khả năng cạnh tranh của Mỹ".
1% đang đóng hơn 40% thuế thu nhập liên bang. Từng đó vẫn chưa đủ hay sao?
Edward Yardeni, Chủ tịch Yardeni Research Inc.
Nhưng ông Biden đã bỏ ngoài tai. Ông lắng nghe những ý kiến như của bà Natasha Sarin, 31 tuổi, vừa rời Đại học Pennsylvania để gia nhập Bộ Tài chính Mỹ. Theo nghiên cứu của bà Sarin và cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers, việc thực thi luật thuế mạnh mẽ hơn sẽ tạo ra hơn 1.000 tỷ USD trong 10 năm tới.
Theo giáo sư thuế Daniel Shaviro tại New York University School of Law, kế hoạch đánh thuế doanh nghiệp của ông Biden phản ánh những quan điểm đang ngày càng trở nên phổ biến trong vài năm qua.
Theo đó, phần lớn lợi nhuận của các tập đoàn lớn là "lợi nhuận vượt quá", tức sản phẩm của quyền lực độc quyền. Do đó, việc áp thuế sẽ không tước bỏ động lực đầu tư và phát triển của doanh nghiệp.
Tổng thống Biden đang muốn đảo ngược xu hướng giảm thuế kéo dài hàng thập kỷ đối với những người giàu. Hàng loạt nhà kinh tế học đứng về phía ông. "Kịch bản tăng thuế có thể không xảy ra. Nhưng 1% người giàu nhất có lý do để lo lắng", Bloomberg nhận định.