Tổng thống Biden đã áp dụng chiến thuật gì đối với Tổng thống Putin ở Geneva?

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm cách chỉ ra rằng Nga không phải bên cạnh tranh trực tiếp với Mỹ, nhưng cũng đóng vai trò trong một thế giới mà Washington đang bị Bắc Kinh cạnh tranh dữ dội.

 Lãnh đạo Mỹ, Nga trong cuộc gặp tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 16/6 (Ảnh: Axios)

Lãnh đạo Mỹ, Nga trong cuộc gặp tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 16/6 (Ảnh: Axios)

Sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Geneva với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhiều cố vấn cho hay, ông Biden muốn gửi đi một thông điệp rằng, ông Putin đang tự cô lập mình khỏi cộng đồng quốc tế bằng chính những hành động của mình – từ can thiệp bầu cử (dù chưa có bằng chứng) cho tới các cuộc tấn công mạng nhằm vào các nước phương Tây…

Tuy nhiên, ông Biden lại có thể gặp rất nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn đà suy giảm trong quan hệ Nga-Mỹ và ngăn chặn mối đe dọa từ nguy cơ xung đột hạt nhân trong khi liên tục cáo buộc Nga như vậy; theo các nhà quan sát.

“Chính quyền Mỹ muốn giảm thang căng thẳng. Nhưng đối với tôi, chưa chắc ông Putin đã muốn vậy” – Tim Morrison, cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời chính quyền Donald Trump nhận định.

Trước khi hội nghị diễn ra, giới chức cả hai nước đều hạ thấp kỳ vọng đạt được các bước đột phá trong đàm phán, và họ đã đúng. Không có vấn đề lớn nào được giải quyết.

Dù vậy, hai nhà lãnh đạo đã cam kết nối lại các cuộc làm việc liên quan tới kiểm soát vũ trang, an ninh mạng và nhìn vào các lĩnh vực có khả năng hợp tác, những tín hiệu cho thấy chút ít hy vọng trong một mối quan hệ giữa hai quốc gia hiện đang có rất ít điểm chung.

Quan hệ Nga-Mỹ dường như trở nên tồi tệ hơn ngay sau khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi đầu năm nay. Ông Biden còn cho rằng ông Putin là “kẻ sát nhân”, điều càng khiến cho rạn nứt ngoại giao giữa hai nước thêm trầm trọng – khi hai nước triệu hồi các đại sứ của họ về nước.

Áp dụng hướng tiếp cận với Nga không khác gì chính quyền Barack Obama – người từng gọi Nga là “thế lực khu vực” sau khi Crimea trở lại thành một phần của nước này vào năm 2014 – nhưng giờ đây ông Biden lại tìm cách mô tả Nga như không phải một nước cạnh tranh trực tiếp với Mỹ.

Phát biểu sau cuộc họp với ông Putin, ông Biden nói rằng Nga “cực kỳ mong muốn duy trì vị thế cường quốc lớn”.

“Nga đang ở một vị trí rất, rất khó khăn ngay bây giờ. Họ đang bị Trung Quốc bóp nghẹt” – ông Biden nói trước khi lên chuyên cơ rời khỏi Geneva, Thụy Sĩ và thêm rằng người Nga “không muốn bị xem là nước Cộng hòa Thượng Volta có sở hữu vũ khí hạt nhân”. Ông Biden đề cập tới một nước thuộc địa của Pháp ở Tây Phi, mà nay đã đổi tên thành Burkina Faso.

Tổng thống Biden cũng chỉ ra nhiều vấn đề của nền kinh tế Nga và cho rằng doanh nhân Mỹ “không muốn làm ăn ở Moscow”.

Matthew Schmidt – Gáo sư ĐH New Haven và là chuyên gia về các vấn đề Nga – nói rằng ông Biden đang tìm cách làm suy yếu tầm quan trọng của ông Putin trên trường quốc tế.

“Chiến lược này rất đơn giản, đó là chọc tức ông Putin, bằng một số thông tin thực tế” – Schmidt nói – “Và sự phản ứng sẽ xảy ra”.

Tổng thống Biden đã tới khu biệt thự ven hồ ở Geneva, nơi ông có cuộc gặp với ông Putin ngay sau khi vừa tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói rằng hướng tiếp cận của ông Biden với Nga dễ thành công hơn, bởi ông Biden gặp ông Putin ngay sau khi vừa quy tụ các đồng minh để ủng hộ việc giữ vững “trật tự quốc tế dựa trên các quy định” tại hội nghị G7 ở Anh và các cuộc thảo luận với NATO ở Brussels, Bỉ.

Tuy nhiên, ở trong nước, nhiều đối thủ của ông Biden ở đảng Cộng hòa nhanh chóng chỉ trích ông vì thất bại trong việc ngăn chặn dự án đường ống dẫn khí tự nhiên của Nga đang được xây dựng ở châu Âu.

Thượng nghị sĩ Lindsay Graham, người thường xuyên chỉ trích ông Biden, nói rằng ông rất khó chịu khi nghe tin Tổng thống Biden nói rằng ông Putin sẽ gặp rắc rối bởi cách mà các nước khác nhìn nhận ông.

“Có một điều rất rõ ràng là ông Putin không quan tâm nhiều tới việc người khác nghĩ gì về ông ấy và nói trắng ra là càng thích thú với cái danh là đã can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước khác một cách thành công” – thượng nghị sĩ bang South Carolina nói.

Theo Reuters

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tong-thong-biden-da-ap-dung-chien-thuat-gi-doi-voi-tong-thong-putin-o-geneva-post146947.html