Tổng thống biden muốn xóa nợ 4,5 tỷ USD cho Ukraine
Ông Donald Trump trước đây đã kêu gọi Mỹ chỉ cung cấp các khoản vay chứ không phải quà tặng cho Ukraine.
Tổng thống sắp mãn nhiệm của Mỹ Joe Biden đã quyết định xóa khoảng 4,7 tỷ USD khoản tiền mà Mỹ cho Ukraine vay như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm tăng cường sức mạnh của Kiev trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào năm tới.
Kể từ tháng 2/2022, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt hơn 174 tỷ USD trong các gói viện trợ khác nhau để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Khoản vay mới nhất, được phê duyệt vào tháng 4, bao gồm hơn 9,4 tỷ USD trong “các khoản vay có thể được miễn” để giúp lấp đầy khoảng trống trong ngân sách của Kiev.
“Chúng tôi đã thực hiện bước được nêu trong luật để hủy bỏ các khoản vay đó,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết hôm 20/11, xác nhận rằng ông Biden đang tìm cách xóa một nửa số tiền đó, tương đương khoảng 4,7 tỷ USD.
Theo Bloomberg, việc hủy bỏ khoản nợ là vì “lợi ích quốc gia của Mỹ và các đối tác EU, G7+ và NATO”.
Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ không phản đối Quốc hội phê duyệt thêm viện trợ cho Ukraine miễn là hỗ trợ được cung cấp dưới hình thức cho vay thay vì quà tặng do người đóng thuế tài trợ. Đổi tên một số khoản viện trợ thành các khoản vay là một trong những điều chỉnh quan trọng giúp thúc đẩy gói hỗ trợ trị giá 61 tỷ USD vào tháng 4 sau nhiều tháng bế tắc giữa đảng Cộng hòa và Nhà Trắng.
Thượng nghị sĩ Rand Paul đã cam kết sẽ ngăn chặn việc xóa nợ, cho rằng nó gây gánh nặng không công bằng cho người nộp thuế ở Mỹ.
“Tối nay, tôi buộc phải bỏ phiếu về nghị quyết của mình nhằm ngăn chặn ông Biden biến khoản nợ của Ukraine thành vấn đề của Mỹ. Đề xuất của ông đặt gánh nặng tài trợ cho các doanh nghiệp, nông dân và quan chức tham nhũng của Ukraine lên vai những người Mỹ chăm chỉ”, ông Paul viết trong một tuyên bố trên X hôm 21/11.
Chính phủ Ukraine gần như hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ của phương Tây để duy trì nền kinh tế đang gặp khó khăn. Vào tháng 9, Kiev đã thông qua dự thảo ngân sách cho năm 2025, dự đoán mức thâm hụt là 75% và ước tính sẽ cần từ 12 tỷ đến 15 tỷ USD để bù đắp khoản thiếu hụt.
Theo Bộ Tài chính Ukraine, nợ công của Ukraine đã vượt quá 152 tỷ USD tính đến tháng 7. Chi phí trả khoản nợ này đã tăng từ 900 triệu USD lên 5,2 tỷ USD trong năm nay, theo tính toán của tờ báo Nga Vedomosti sau khi xem xét dữ liệu tài chính của Kiev.
Vào tháng 10, các nước G7 đã hoàn tất khoản vay riêng khổng lồ trị giá 50 tỷ USD cho Ukraine, được hỗ trợ bởi lợi nhuận tích lũy từ khoảng 300 tỷ USD tài sản bị đóng băng của Nga hiện đang được cố định ở phương Tây. Bất chấp áp lực của Mỹ về việc tịch thu toàn bộ số tài sản này, IMF cho đến nay vẫn phản đối hành động này vì lo ngại nó có thể làm suy yếu niềm tin vào hệ thống tài chính phương Tây.
Moscow đã tố cáo việc phong tỏa tài sản là “hành vi trộm cắp” và cảnh báo rằng việc khai thác các quỹ này sẽ là bất hợp pháp và tạo ra tiền lệ nguy hiểm. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hôm 20/11 cam kết sẽ bắt đầu các biện pháp trả đũa tương tự hành động của phương Tây.
Bộ trưởng Tài chính nêu rõ: “Nếu các nước phương Tây quyết định sử dụng tài sản và thu nhập từ tài sản của chúng tôi, phía Nga cũng sẽ thực hiện các hành động phù hợp”.