Tổng thống Brazil không phải người duy nhất gây ra vụ cháy rừng Amazon
Tổng thống Bolsonaro đối mặt nhiều thách thức khi trấn áp nông dân và những người khai thác gỗ, họ phát quang bằng cách đốt rừng do lịch sử, tập quán và luật đất đai ở Brazil.
Dưới áp lực quốc tế để ngăn chặn các đám cháy đang lan rộng trên Amazon, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đang cố gắng trấn áp những người nông dân và những người khai thác gỗ phát quang bằng cách đốt rừng nhiệt đới.
Ngoài việc phải chống lại các phát ngôn trước đó của chính mình, ông cũng đang chống lại truyền thống, tập quán và phép tắc từ lâu đời tại Brazil.
Nông dân ở Brazil sử dụng lửa để phát quang. Một đạo luật hàng thập kỷ khuyến khích họ xâm chiếm Amazon.
Được hỗ trợ bởi các nhóm vận động hành lang nông nghiệp hùng mạnh của Brazil, ông Bolsonaro đã vận động với lời hứa mở rừng để trồng trọt, khai khẩn và khai thác mỏ nhiều hơn - và chống lại những gì ông gọi là "ngành công nghiệp tiền phạt" tại Ibama, cơ quan bảo vệ môi trường.
Áp lực từ ngành nông nghiệp
"Tôi sẽ không cho phép Ibama phạt tiền bừa bãi", ông tuyên bố không lâu sau cuộc bầu cử năm ngoái.
Và ông đã thực hiện. Kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1, cơ quan này cho biết họ đã ban hành mức phạt ít hơn 29,4% cho các vi phạm, bao gồm cả việc đốt và phá rừng bất hợp pháp.
Nhưng giờ Bolsonaro đang cố gắng áp dụng lệnh cấm. Ông tuyên bố cấm phóng hỏa trong 60 ngày. Ông đã gửi quân đến miền Bắc Brazil để trấn áp nạn phá rừng. Các nhà chức trách đang điều tra về các vụ hỏa hoạn dồn dập vào tháng trước mà nông dân và những người khai thác gỗ gọi là "Ngày Hỏa hoạn".
Nhưng ở đó, một lần nữa, lại là vấn đề hóc búa cho Bolsonaro: Các nhà lãnh đạo nông thôn ở bang Pará của Amazon bị cáo buộc phóng hỏa dọc theo đường cao tốc xuyên qua rừng nhiệt đới để thể hiện sự ủng hộ đối với việc ông Bolsonaro nới lỏng các hạn chế về môi trường, theo báo Globo Rural.
Nông dân từ lâu đã sử dụng lửa để cắt xuyên rừng rậm nhằm đưa máy móc vào. Thảm thực vật bị đốt cháy làm màu mỡ đất đai và giảm sâu bệnh.
"Các đám cháy đánh dấu một trong những giai đoạn cuối cùng của nạn phá rừng", Raoni Rajão, giáo sư ngành quản lý môi trường tại Đại học Liên bang Minas Gerais, cho biết.
"Trước tiên, gỗ quý bị chặt hạ. Sau đó, bụi cây được để khô. Cuối cùng, đám cháy được đốt lên để dọn sạch đất trước khi cỏ mọc lên cho gia súc", ông nói với Washington Post.
Nông dân Brazil nói rằng họ đã bị đổ lỗi không công bằng cho các vụ cháy. Marcos da Rosa, cựu chủ tịch hiệp hội các nhà sản xuất đậu nành Brazil, cho biết những người du cư thiếu kinh nghiệm thường gây ra các đám cháy khi dùng lửa để phát quang mà không hiểu rủi ro.
Hợp nhất Amazon để duy trì kiểm soát
Brazil từ lâu đã cung cấp các ưu đãi cho nông dân để chuyển tới, đốt nương và phát triển Amazon.
Chính phủ sở hữu những dải đất rộng lớn, không có người ở của rừng nhiệt đới. Trong nỗ lực khai phá mảnh đất đó vào những năm 1970, các nhà lập pháp đã phê chuẩn luật cho phép người thuê có thể thiết lập hoạt động kinh tế trên một lô đất trong năm năm để mua quyền sở hữu với giá chiết khấu.
Lửa cho phép nông dân dọn đất cho đồng cỏ nhanh chóng và ít tốn kém.
"Người ta cho rằng Brazil phải hợp nhất Amazon để duy trì quyền kiểm soát nó", giáo sư Rajão nói.
Năm 2017, chịu áp lực bởi các nhóm vận động hành lang của đất nước, các nhà lập pháp đã mở rộng luật cho phép tư nhân hóa các phần đất lớn hơn. Năm ngoái, chính phủ đã ban hành 90.000 chứng từ đất như vậy trong cả nước, theo Bộ Nông nghiệp.
Đầu cơ cũng đã thúc đẩy nạn phá rừng. Nguy cơ bị Ibama phạt bị che mờ bởi lợi nhuận tiềm năng. Đất bị phá rừng ở Amazon đã được chuyển đổi thành đồng cỏ có thể được bán với giá cao gấp sáu lần giá trả cho chính phủ, Rajão nói.
Nông dân tận dụng lợi thế trong thời gian chính phủ quản lý lỏng lẻo để giành lấy và phá rừng nhiều hơn. Hoạt động này gia tăng dưới thời Bolsonaro. Đến tháng 7, nạn phá rừng đã tăng 40%, so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo tháng trước của Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Brazil.
Trong thư ngỏ tới chính phủ, hơn 400 nhân viên của Ibama cảnh báo rằng hệ thống bảo vệ môi trường của nước này đang trên bờ vực sụp đổ và đổ lỗi các vụ hỏa hoạn do cắt giảm nguồn lực. Họ cho biết ngân sách của cơ quan đã bị cắt giảm 45% từ năm 2010 đến 2019.
Sức ép từ đe dọa tẩy chay
Cảnh sát Brazil đang điều tra các báo cáo rằng hơn 70 nông dân và người khai thác gỗ đã sử dụng một nhóm chat qua mạng xã hội để tổ chức "Ngày Hỏa hoạn" vào ngày 10/8.
Theo nghiên cứu của viện nghiên cứu vũ trụ, hơn 30.000 đám cháy đã xảy ra trong rừng nhiệt đới chỉ trong tháng 8, cao nhất trong 9 năm.
Vụ hỏa hoạn khiến các nhà hoạt động kêu gọi tẩy chay hàng hóa Brazil. Mười lăm nhãn thời trang, bao gồm Vans, Kipling và Timberland, cho biết họ sẽ không nhập khẩu da Brazil. Phần Lan đã kêu gọi lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Brazil vào Liên minh châu Âu.
Ông Bolsonaro đang chịu áp lực từ các nhóm vận động hành lang đã giúp ông được bầu lên, khi việc tẩy chay ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.
Ông tuyên bố nông dân và người khai thác gỗ sẽ không còn được phép sử dụng các đám cháy để giải phóng mặt bằng. Nhưng các nhà phê bình cho rằng những nỗ lực sẽ khó thực thi nếu không có thay đổi. Ibama không thể tuần tra một cách hiệu quả khu rừng nhiệt đới bao phủ 60% lãnh thổ Brazil.
Thống đốc các bang có diện tích rừng Amazon cảnh báo rằng luật sở hữu đất đai phải được viết lại trước khi họ có thể ngăn chặn nạn phá rừng.
"Không có cải cách đất đai, chúng tôi gặp khó khăn lớn khi phải chịu trách nhiệm cho những người phạm tội này. Chúng tôi không biết chính xác đó là đất của ai", ông Wilson Lima, Thống đốc bang Amazonas, nói với ông Bolsonaro trong một cuộc họp vào tháng trước.