Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng, thế giới mong chờ điều gì? Cơ hội mới của Trung Quốc và châu Âu đã mở?

Với việc Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng, các ý tưởng kinh tế của ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử có thể sớm trở thành hiện thực. Thế giới đang mong đợi 'nước Mỹ trên hết'; những điểm mới về thuế quan, chiến tranh thương mại và sự bùng nổ của tiền điện tử.

Ông Donald Trump tại một cuộc vận động tranh cử ở Greensboro, Bắc Carolina, ngày 2/11. (Nguồn: Reuters)

Ông Donald Trump tại một cuộc vận động tranh cử ở Greensboro, Bắc Carolina, ngày 2/11. (Nguồn: Reuters)

Sau ngày bầu cử ở Mỹ (ngày 5/11 - giờ địa phương), thế giới đang trông chờ vào một nhiệm kỳ tổng thống mới của ông Donald Trump. Đảng Cộng hòa cũng đã nắm quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ, điều sẽ giúp ông Trump có thể dễ dàng hơn trong việc thông qua các ý tưởng kinh tế của mình.

Lời hứa về mức thuế quan lớn

Theo trang DW, chiến thắng của ông Trump sẽ tạo nên một bước ngoặt mới đầy khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu.

Khi tranh cử, nhiều ý tưởng kinh tế của ông đưa ra tương tự như khi ông nắm quyền lần đầu.

Tuy nhiên, với lần trở lại này, công chúng tinh tế hơn và ông Trump cũng có nhiều kinh nghiệm, quyết tâm hơn để thúc đẩy những ý tưởng kinh tế đã đặt ra.

Ông đã hứa áp mức thuế 10-20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thậm chí, ông còn dự định sẽ áp mức thuế cao tới 60% đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.

Đồng thời, ông đã hứa sẽ đưa ngành sản xuất trở về Mỹ, cắt giảm thuế và trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp.

Những lời hứa này đủ sức thuyết phục nhiều cử tri đang phải vật lộn với giá thực phẩm và nhà ở tăng cao rằng, họ sẽ tốt hơn nếu ủng hộ ông Trump về mặt kinh tế.

Thị trường toàn cầu đang phản ứng thế nào?

Các chính sách của ông chủ Nhà Trắng mới sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Mỹ và cũng sẽ có hiệu ứng lan tỏa lớn trên toàn thế giới.

Trước cuộc bầu cử, các doanh nghiệp trên toàn thế giới đã tính đến chiến thắng của đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa và lập kế hoạch dự phòng.

Bây giờ, khi đảng Cộng hòa giành chiến thắng áp đảo, thị trường đang phản ứng mạnh.

Thị trường chứng khoán ở châu Á - thị trường đầu tiên mở cửa sau cuộc bầu cử - đã có phản ứng trái chiều. Cụ thể, Nikkei của Nhật Bản và S&P/ASX 200 của Australia tăng. Trong khi Hang Seng Index của Hong Kong (Trung Quốc) giảm. Cổ phiếu Trung Quốc đại lục không biến động nhiều và thị trường châu Âu vẫn "im hơi lặng tiếng".

Trong khi đó, thị trường Mỹ chào đón chiến thắng của ông Trump với cả sự lạc quan và lo lắng.

Chỉ số S&P 500 tăng 2,4%, Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 3,4% và Nasdaq Composite tăng 2,7%. Cả ba chỉ số đều đạt mức cao kỷ lục vào ngày 6/11, trong khi chỉ số MSCI cho cổ phiếu thế giới tăng 1,3%.

Ngược lại, không có sự gia tăng nào được ghi nhận trên thị trường trái phiếu khi trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm.

Ông chủ Nhà Trắng mới từng hứa sẽ biến nước Mỹ thành "thủ đô tiền điện tử của hành tinh" bằng cách cởi mở hơn với thị trường này. Sự ủng hộ của ông đối với tiền điện tử đã mang lại hy vọng cho ngành công nghiệp tại Mỹ.

Bitcoin - loại tiền điện tử phổ biến nhất - đã đạt mức kỷ lục hơn 75.000 USD (tương đương 69.800 EUR) sau khi nghe tin ông Trump chiến thắng.

Bitcoin - loại tiền điện tử phổ biến nhất - đã đạt mức kỷ lục hơn 75.000 USD (tương đương 69.800 EUR) sau khi nghe tin ông Trump chiến thắng. (Nguồn: Reuters)

Bitcoin - loại tiền điện tử phổ biến nhất - đã đạt mức kỷ lục hơn 75.000 USD (tương đương 69.800 EUR) sau khi nghe tin ông Trump chiến thắng. (Nguồn: Reuters)

Khi Bitcoin tăng vọt, một số loại tiền tệ khác không hoạt động tốt so với USD. Thế nhưng, điều ngược lại đang xảy ra với thị trường tiền tệ.

Ngày 6/11, nhiều loại tiền tệ đã mất giá so với đồng bạc xanh. Đơn cử như đồng Peso của Mexico đã có mức giảm lớn nhất trong ba tháng. Đồng tiền này đặc biệt dễ bị tổn thương trước mức thuế quan mới của nền kinh tế lớn nhất thế giới vì đây là đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia này.

USD tăng sẽ khiến hàng hóa của Mỹ đắt hơn đối với hàng hóa của các quốc gia khác.

Nỗi sợ hãi và cơ hội mới của châu Âu

Bên cạnh những khó khăn về thương mại và thuế quan, một số nước Đông Âu lo ngại, ông Trump có thể làm suy yếu sự ủng hộ thiết yếu của Mỹ đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nỗi sợ hãi này, cùng với những lo lắng về tương lai của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã đẩy nhiều loại tiền tệ của châu Âu giảm mạnh. Cụ thể như đồng Forint của Hungary.

Ông Thilo Brodtmann, người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp kỹ thuật cơ khí Đức cảnh báo: "Nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump sẽ là thách thức lớn hơn đối với ngành công nghiệp Đức và châu Âu so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Châu Âu đặc biệt phải 'để mắt' tới thông báo áp thuế của ông chủ Nhà Trắng mới".

Thuế quan sẽ gây căng thẳng cho thương mại toàn cầu và có thể buộc Trung Quốc cùng các nước châu Âu phải phát triển hơn nữa thế mạnh kinh tế của mình. Đây có thể là cơ hội mới của những đất nước này.

(theo DW)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-dac-cu-donald-trump-tro-lai-nha-trang-the-gioi-mong-cho-dieu-gi-co-hoi-moi-cua-trung-quoc-va-chau-au-da-mo-292844.html