Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ đối mặt với thách thức như thế nào?

Tổng thống mới của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol lên nắm quyền vào một thời điểm đầy biến động đối với đất nước. Tuy nhiên, với việc từng có gần 3 thập kỷ làm công tố viên, vị chính khách cứng rắn này được kỳ vọng đủ sức làm 'lay chuyển' tình hình!

Một chính trị gia cứng rắn

Khi Hàn Quốc chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 8/3, nhiều phụ nữ nói rằng họ sẽ không chọn ông Yoon Suk-yeol cho một cuộc hẹn hò, nếu phải chọn giữa ông và đối thủ chính Lee Jae-myung đến từ Đảng Dân chủ (DP).

Đây thực ra không phải là một điều đáng ngạc nhiên, khi mà ông Yoon Suk-yeol nổi tiếng là một người thẳng thắn, thậm chí thường bị cho là có những tuyên bố quá cứng nhắc hoặc “khó nghe” đối với nhiều người. Ông Yoon còn từng cam kết tranh cử rằng sẽ vận động bãi bỏ Bộ Bình đẳng giới và Gia đình của Hàn Quốc, vì cho rằng tỷ lệ sinh thấp của nước này là do nữ quyền.

Yoon Suk-yeol tuyên thệ trong phiên điều trần phê chuẩn chức vụ Tổng công tố Hàn Quốc tại quốc hội hôm 8/7/2019. Ảnh: YNA.

Thực ra, ông Yoon là một người mới tham gia chính trị, sau khi đã trải qua 27 năm với tư cách công tố viên và rồi là Tổng Công tố viên nhà nước. Nhờ tận dụng được sự bất bình của công chúng Hàn Quốc về các chính sách từ những chính phủ cũ, ông Yoon đã giành chiến thắng sít sao trước đối thủ Lee Jae-myung, thậm chí chênh lệch số phiếu bầu chỉ là 1%.

Song dù thế nào thì đó cũng chỉ là những câu chuyện đã qua. Điều quan trọng là ông Yoon sẽ gặp rất nhiều thách thức trong nhiệm kỳ 5 năm và bắt đầu từ ngày 10 tháng 5 của mình tới đây. Tất nhiên, ông Yoon thừa hiểu điều đó và cho thấy sẽ theo đuổi đường lối cứng rắn.

Các vấn đề Triều Tiên luôn ở mức cao trong chương trình nghị sự của ông, cũng như căng thẳng gia tăng với các đối tác chính của Hàn Quốc là Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng sẽ phải đối mặt với tình hình đại Covid-19 đang gia tăng.

Vấn đề Triều Tiên

Phần lớn chiến dịch của ông Yoon tập trung vào lập trường cứng rắn của ông đối với Triều Tiên - một sự khác biệt với cách tiếp cận hiện tại của Tổng thống sắp mãn nhiệm Moon, vốn luôn thúc đẩy đối thoại và hòa giải hòa bình.

Quan hệ liên Triều là một vấn đề bầu cử quan trọng, với căng thẳng gia tăng trong bối cảnh Triều Tiên gia tăng thử nghiệm tên lửa gần đây. Nước này đã phóng 9 vụ thử tên lửa chỉ trong năm 2022, trong đó có một loại "tên lửa siêu thanh" mới có thể cơ động với tốc độ cao - khiến Hàn Quốc lên án.

Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Triều Tiên tại Viện Sejong, cho biết các cuộc đàm phán giữa hai miền đã bị đình trệ kể từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vào năm 2019. Ông nói thêm: “Không thể mong đợi bất kỳ tiến bộ nào trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trừ khi chính phủ tiếp theo đưa ra một giải pháp phi hạt nhân hóa có thể chấp nhận được đối với cả Mỹ và Triều Tiên".

Yoon đã hứa sẽ xây dựng quân đội Hàn Quốc, thậm chí còn ám chỉ rằng ông ta sẽ tung đòn tấn công phủ đầu nếu nhận thấy dấu hiệu của một cuộc tấn công nhằm vào Seoul. Trong suốt chiến dịch của mình, Yoon thề sẽ không nới lỏng các biện pháp trừng phạt hoặc chuẩn bị một hiệp ước hòa bình cho đến khi Triều Tiên "nỗ lực tích cực trong việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng được".

Phát biểu tại Seoul vào ngày 24 tháng 1, ông Yoon nói thêm rằng cánh cửa ngoại giao và đối thoại sẽ "luôn để ngỏ" - nhưng ông sẽ theo đuổi một nền hòa bình "dựa trên thế trận quốc phòng vững chắc, không khuất phục".

"Chúng tôi sẽ xây dựng một lực lượng quân sự hùng mạnh có thể đảm bảo ngăn chặn bất kỳ hành động khiêu khích nào nhằm bảo vệ sự an toàn và tài sản của công dân cũng như bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của quốc gia chúng tôi", ông Yoon nói thêm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo đường lối cứng rắn hơn này có thể khiến quan hệ giữa hai nước xấu đi. Một số người lo ngại căng thẳng quân sự có thể quay trở lại mức khủng hoảng đã thấy vào năm 2017, khi việc Triều Tiên tích cực thử nghiệm và tiến hành thử vũ khí khiến Mỹ-Hàn phải gia tăng sức mạnh quân sự, cũng như lời đe dọa từ Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump rằng sẽ tung "lửa và giận dữ mà thế giới chưa từng thấy".

Quan hệ với Trung Quốc và Mỹ

Hàn Quốc lần đầu tiên tuyên bố vào năm 2016 rằng họ sẽ triển khai Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Mỹ xây dựng để phòng thủ trước các mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên. Điều đó làm dấy lên mối căng thẳng ngoại giao kéo dài nhiều năm với Trung Quốc, vốn cho rằng hệ thống tên lửa này sẽ gây nguy hiểm cho an ninh của nước này. Thái độ của công chúng hai nước trở nên gay gắt, với việc một số công dân Trung Quốc kêu gọi tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc.

Yoon chỉ ra những lợi thế công nghệ của một liên minh chặt chẽ hơn với Mỹ, cho rằng nó có thể giúp Hàn Quốc duy trì lợi thế trước "các quốc gia cạnh tranh bao gồm cả Trung Quốc". Tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái giữa ông Moon và Tổng thống Mỹ Joe Biden, cả hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định quan hệ đồng minh quân sự và nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ, kinh tế, môi trường và sức khỏe cộng đồng. Một tuyên bố chung sau đó ca ngợi mối quan hệ Mỹ-Hàn Quốc là "nền tảng cho sự ổn định và thịnh vượng".

Phương Tây thường ví ông Yoon như "Donald Trump của Hàn Quốc". Ảnh: AP

Hai ông Biden và Yoon đã có một cuộc gọi vào thứ Năm, Tổng thống Mỹ mời Yoon đến thăm Nhà Trắng. Ông Biden nói thêm rằng ông hy vọng mối quan hệ song phương sâu sắc hơn với Hàn Quốc và rằng "sự phối hợp chặt chẽ ... liên quan đến chính sách của Triều Tiên sẽ rất quan trọng".

Thách thức từ trong nước

Yoon cũng phải đối mặt với nhiều thách thức ở trong nước, bao gồm đại dịch Covid-19, tham nhũng, chính trị phân cực và bình đẳng giới.

Căng thẳng giới của Hàn Quốc gia tăng trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử, với các cử tri trẻ ngày càng phân chia theo giới tính. Đối mặt với thị trường việc làm siêu cạnh tranh và giá nhà đất tăng chóng mặt, "những người chống nữ quyền" cho rằng bình đẳng giới đã nghiêng quá xa về phía phụ nữ.

Trong khi đó, các nhà nữ quyền chỉ ra bạo lực tình dục phổ biến của đất nước, kỳ vọng về giới quá cao và tỷ lệ đại diện nữ thấp trong chính trị là những ví dụ cho thấy sự phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn còn đầy rẫy.

Vũ Long (theo CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tong-thong-dac-cu-han-quoc-yoon-suk-yeol-se-doi-mat-voi-thach-thuc-nhu-the-nao-post184953.html