Tổng thống Donald Trump đe dọa rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới
Ngày 13-8-2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố, Mỹ có thể rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sau những gì mà ông chủ Nhà Trắng gọi là 'nhiều năm bị ngược đãi'.
Trong một chiến dịch tranh cử tại Pittsburgh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố "Chúng ta sẽ rời đi nếu buộc phải làm như vậy. Họ đã làm phiền chúng ta trong nhiều năm và điều đó sẽ không xảy ra nữa".
Ông Trump nhấn mạnh rằng Mỹ không cần WTO nếu tổ chức này không giải quyết được những sơ hở pháp lý, đang làm lợi cho một số quốc gia khác.
"WTO phân loại một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác là các nước đang phát triển, giúp cho những nước này có được những lợi thế không công bằng. Chúng ta sẽ không để điều đó tiếp tục xảy ra", ông Trump nói.
Ông chủ Nhà trắng cũng đã nhiều lần nhắc lại những chỉ trích của ông về WTO, cho rằng Mỹ luôn bị thiệt thòi khi là thành viên của tổ chức này. Tổng thống Mỹ cũng đã nhiều lần gọi WTO là "thảm họa" và là "mối họa" đối với nước Mỹ.
Gần đây, trong một biên bản ghi nhớ ban hành ngày 26-7, Nhà Trắng đã chỉ ra việc Trung Quốc và nhiều quốc gia khác tiếp tục tự nhận là các nước đang phát triển, để được hưởng những lợi ích từ cách phân loại lỗi thời của WTO và tìm kiếm các cam kết yếu hơn so với các thành viên WTO khác.
Ngay sau khi ban hành bản ghi nhớ, ông Trump đã tuyên bố rằng WTO đã "bị phá vỡ" khi các nước giàu nhất thế giới tuyên bố là các nước đang phát triển và được đối xử đặc biệt để tránh các quy tắc của WTO.
Bản ghi nhớ chỉ ra rằng bảy trong số mười nền kinh tế giàu có nhất thế giới, được đo bằng GDP bình quân đầu người trên cơ sở ngang giá sức mua, nhưng lại hiện đang đứng ở vị trí của của các nước đang phát triển là: Brunei, Hồng Kông, Kuwait, Macao, Qatar, Singapore, và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã được Mỹ cho là kẻ lạm dụng nhất các quy định của WTO, vì kể từ khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã luôn khẳng định là một quốc gia đang phát triển, cũng từ đó Trung Quốc hưởng lợi từ việc có thời hạn dài hơn để thực hiện các cam kết thương mại tự do cũng như có khả năng bảo hộ một số ngành công nghiệp trong nước và duy trì trợ cấp.
Các cuộc thảo luận về cải cách WTO đã diễn ra trong nhiều năm và 164 quốc gia thành viên của tổ chức vẫn chưa đạt được sự đồng thuận. Các thành viên WTO cũng được chia thành hai phe, với một nhóm các quốc gia, bao gồm Nga, ủng hộ sự phát triển hơn nữa của tổ chức và một nhóm khác thì lại kêu gọi WTO tái cơ cấu và phát triển theo một định dạng mới.