Tổng thống Donald Trump tạm dừng kế hoạch hòa bình tại Ukraine?
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đình chỉ kế hoạch hòa bình ở Ukraine để trao cho châu Âu một ghế tại bàn đàm phán
Thông tin trên do tờ The Telegraph tiết lộ vào ngày 10-2.
Theo The Telegraph, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Ukraine và Nga, tướng về hưu Keith Kellogg, đã hứa sẽ tổ chức các cuộc đàm phán riêng với các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trước khi hoàn thiện kế hoạch chấm dứt xung đột được mong đợi từ lâu.
Đặc biệt, ông Kellogg cho biết trong các cuộc đàm phán với các nhà ngoại giao châu Âu, ông sẽ lưu tâm đến ý kiến về hình thức của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào và những đóng góp mà các chính phủ sẽ dành cho tiến trình này.
Ông Kellogg cam kết sẽ đàm phán với "các thủ tướng và tổng thống" của quốc gia thành viên NATO. The Telegraph cho rằng động thái này sẽ trấn an những người lo sợ bị Washington đóng băng trong các cuộc đàm phán.
Cùng lúc đó, tướng Kellogg cho biết ông sẽ công bố các yếu tố của kế hoạch hòa bình tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức vào cuối tuần này. Tờ The Telegraph lý giải đây sẽ là lời đề nghị tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev để đổi lấy quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên đất hiếm của Ukraine.
![Ông Trump (phải) gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cuối năm 2024. Ảnh: Tân Hoa Xã/Alamy](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_15_51444490/5ad91dfd29b3c0ed99a2.jpg)
Ông Trump (phải) gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cuối năm 2024. Ảnh: Tân Hoa Xã/Alamy
Nhiều nguồn thạo tin tiết lộ các đại diện châu Âu đã có cuộc hội đàm với ông Kellogg. Ông Kellogg bảo đảm với người châu Âu rằng Washington muốn củng cố vị thế của Ukraine trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai với Nga.
Theo tờ The Telegraph, chính quyền của ông Trump sẽ mất hơn 100 ngày để đạt được thỏa thuận hòa bình, vì đặc phái viên đã lên lịch họp với các nhà lãnh đạo của 31 quốc gia thành viên NATO.
Ngoài ra, tờ báo cũng lưu ý hóa ra ông Kellogg không biết về cuộc hội đàm được lên kế hoạch giữa ông Trump với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Thậm chí, ông Kellogg còn thừa nhận ông biết về cuộc họp này từ truyền hình trong một cuộc họp với các quan chức châu Âu.
Điều này làm dấy lên lo ngại đặc phái viên Kellogg có thể không có đủ ảnh hưởng đối với ông Trump.
Phía Nga cũng báo hiệu rằng các cuộc đàm phán với Mỹ bị đình trệ. Moscow cho biết vẫn chưa nhận được bất kỳ lời đề nghị nào có thể thuyết phục họ ngồi vào bàn đàm phán.
Cuối tuần trước, Tổng thống Trump cho biết ông đã đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ New York Post, ông Trump từ chối cho biết thời điểm ông trao đổi với ông Putin.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin ngày 10-2 nhấn mạnh: "Điều quan trọng là lời nói phải đi đôi với các bước thực tế có tính đến lợi ích chính đáng của Nga, thể hiện sự sẵn sàng xóa bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng và nhìn nhận thực tế mới".
Ông Galuzin xác nhận đến nay, Nga vẫn chưa nhận được những đề xuất cụ thể.