Tổng thống Hàn Quốc được ban bố thiết quân luật trong những trường hợp nào?

Hiến pháp Hàn Quốc quy định Tổng thống có quyền ban bố thiết quân luật nhằm ứng phó với chiến tranh, thảm họa hoặc các tình trạng khẩn cấp quốc gia.

ổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh: Reuters

ổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh: Reuters

Điều 77 Hiến pháp Hàn Quốc quy định những điều kiện để tuyên bố tình trạng thiết quân luật tại Hàn Quốc:

"Khi cần thiết phải đối phó với yêu cầu quân sự hoặc duy trì an ninh và trật tự công cộng thông qua việc huy động lực lượng quân sự trong thời chiến, xung đột vũ trang hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia tương tự, Tổng thống có thể tuyên bố thiết quân luật theo quy định của pháp luật.

Trong tình trạng thiết quân luật đặc biệt, các biện pháp đặc biệt có thể được thực hiện liên quan đến yêu cầu về lệnh bắt, quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp và lập hội, hoặc các quyền hạn của hành pháp và tư pháp theo các điều kiện được quy định bởi pháp luật".

Thiết quân luật tại Hàn Quốc được chia làm hai loại gồm khẩn cấp và an ninh. Sau khi ban bố thiết quân luật, Tổng thống Hàn Quốc có trách nhiệm thông báo ngay lập tức cho quốc hội. Nếu đa số nghị sĩ quốc hội bỏ phiếu yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật, Tổng thống Hàn Quốc phải tuân thủ điều này.

Lịch sử thiết quân luật tại Hàn Quốc

Đêm 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã ban bố thiết quân luật với lý do "bảo vệ đất nước và dẹp bỏ các thế lực chống phá Nhà nước”, có hiệu lực trên toàn quốc từ 23 giờ ngày 3/12 (21 giờ theo giờ Hà Nội). Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc áp đặt tình trạng thiết quân luật trong vòng 44 năm qua.

Trước khi Hàn Quốc chuyển sang chế độ dân chủ trực tiếp vào cuối những năm 1990, thiết quân luật đã được áp dụng nhiều lần. Thiết quân luật gần nhất được ban hành tại Hàn Quốc trước ngày 3/12 là vào tháng 10/1979 bởi Thủ tướng khi đó Choi Kyu-hah, sau vụ ám sát Tổng thống Park Chung-hee.

Thiết quân luật sau đó kéo dài đến năm 1980. Vào năm 1981, qua một cuộc trưng cầu ý dân, Hàn Quốc dỡ bỏ thiết quân luật.

Tuyên bố thiết quân luật đầu tiên của Hàn Quốc được đưa ra năm 1948, bởi tổng thống đầu tiên của nước này - ông Syngman Rhee. Tiếp đó, đến năm 1952, ông Syngman Rhee đã áp đặt lại thiết quân luật, trong Chiến tranh Triều Tiên.

Một số nội dung được tuyên bố trong lênh thiết quân luật tại Hàn Quốc được ban hành vào đêm 3/12:

“Các nội dung sau đây được tuyên bố trên toàn lãnh thổ Đại Hàn Dân Quốc kể từ 23 giờ ngày 3/12/2024:

1. Mọi hoạt động chính trị, bao gồm các hoạt động của Quốc hội, hội đồng địa phương, đảng phái chính trị, hiệp hội chính trị, các cuộc biểu tình và tụ tập, đều bị cấm.

2. Mọi hành động phủ nhận hoặc tìm cách lật đổ hệ thống dân chủ tự do đều bị cấm, cũng như việc lan truyền tin giả, thao túng dư luận, và tuyên truyền sai lệch.

3. Tất cả các phương tiện truyền thông và xuất bản sẽ chịu sự kiểm soát của Bộ chỉ huy Thiết quân luật.

4. Các cuộc đình công, bỏ làm việc và tụ tập gây xáo trộn trật tự đều bị cấm.

5. Tất cả nhân viên y tế, bao gồm cả bác sĩ thực tập, đang đình công hoặc rời khỏi lĩnh vực y tế phải trở lại công việc trong vòng 48 giờ và toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ. Những người vi phạm sẽ bị xử lý theo luật thiết quân luật.

6. Dân thường vô tội, ngoại trừ các lực lượng chống nhà nước và các lực lượng phá hoại khác, sẽ hưởng những biện pháp giảm thiểu sự bất tiện trong cuộc sống hằng ngày.

Những người vi phạm tuyên bố trên có thể bị bắt giữ, giam giữ và khám xét mà không cần lệnh theo điều 9 của Luật Thiết quân luật Đại Hàn Dân Quốc (quyền hạn đặc biệt của chỉ huy thiết quân luật) và sẽ bị trừng phạt theo điều 14 của Luật Thiết quân luật (các quy định về xử phạt)".

Tuy nhiên, rạng sáng 4/12 theo giờ địa phương, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã tuyên bố dỡ bỏ thiết quân luật sau 6 giờ ban hành, ngay khi quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu gỡ bỏ.

Trang Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/tong-thong-han-quoc-duoc-ban-bo-thiet-quan-luat-trong-nhung-truong-hop-nao-179241204113514038.htm