Tổng thống Hoa Kỳ tới Trung Đông tìm kiếm điều gì?
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang lên kế hoạch thực hiện chuyến thăm hai nước Trung Đông là Israel và Saudi Arabia trong tháng 7 tới. Giới chuyên gia đặt câu hỏi rằng, Washington kỳ vọng sẽ đạt được điều gì trong chuyến công du này?
Đánh giá về chuyến thăm, ông Natan Sachs, Giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Đông tại Viện Brookings, cho rằng Hoa Kỳ đang trong một quá trình kéo dài nhiều năm để giảm bớt sự can dự của mình vào Trung Đông. Tuy nhiên, Washington vẫn có sự hiện diện quân sự lớn và đầu tư nhiều nguồn lực trong khu vực, do đó họ đang tìm cách hợp tác rộng rãi hơn với các nước trong khu vực về các vấn đề an ninh.
“Chuyến đi này sẽ là một phần của nỗ lực đó, với việc chính quyền Tổng thống Joe Biden rõ ràng muốn tham gia vào đối tác hợp tác quốc phòng Arab-Israel, đặc biệt là chống lại các phương tiện không người lái của Iran và do Tehran hậu thuẫn. Đó là một sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của chính quyền ông Joe Biden về một Trung Đông mới”, ông nói.
Trong khi đó, ông Michael Koplow, Giám đốc chính sách tại Diễn đàn Chính sách Israel, bình luận, chuyến thăm Trung Đông của ông Joe Biden trước hết là về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Saudi Arabia và “không mong đợi bất kỳ sáng kiến lớn nào của Hoa Kỳ đối với Israel hoặc các vấn đề Israel-Palestine”. Ông nêu rõ: “Tổng thống Joe Biden chỉ là đang cố gắng tránh sai lầm mà cựu Tổng thống Barack Obama đã mắc phải khi bỏ qua Israel trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới khu vực”.
Theo vị chuyên gia này, chuyến thăm có khả năng liên quan đến thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Ai Cập về việc chuyển giao các đảo Tiran và Sanafir từ Ai Cập cho Saudi Arabia, điều cần có sự đồng ý của Israel và được coi là một bước tiến nữa đối với việc bình thường hóa giữa Israel và Saudia Arabia, đồng thời hướng tới một nền an ninh khu vực rộng lớn hơn với kiến trúc trong đó Israel được tích hợp.
Về phần mình, ông Mark Dubowitz, Giám đốc điều hành tại Tổ chức bảo vệ các nền dân chủ, cũng cho rằng thông qua chuyến thăm, người đứng đầu Nhà Trắng muốn có sự phối hợp chặt chẽ hơn với Israel trong một chiến dịch gây áp lực nhằm vào Iran, nỗ lực hướng tới bình thường hóa giữa Saudia Arabia và Israel, cũng như gửi một thông điệp rõ ràng tới lãnh đạo Palestine rằng họ có thể là một phần của quá trình mở rộng bình thường hóa hoặc sẽ bị “gạt sang một bên”.
“Trở ngại lớn đối với việc bình thường hóa giữa Saudi Arabia và Israel là ở Washington chứ không phải ở Riyadh hay Jerusalem. Ông Biden có cơ hội để sửa chữa những thiệt hại trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Saudi Arabia và vạch ra một kế hoạch cho sự hợp tác quân sự và tình báo trong khu vực nhằm vào Iran cũng như hội nhập chính trị và thương mại lớn hơn giữa Israel với thế giới Arab. Qua đó, ông Joe Biden có thể được nhớ đến với tư cách là tổng thống đã đưa đất nước Hồi giáo quan trọng nhất hội nhập vào Hiệp định Abraham”, ông nói.
Liên quan đến vấn đề Palestine, theo báo cáo trên các phương tiện truyền thông Israel, chuyến công du của Tổng thống Joe Biden dự kiến cũng bao gồm chuyến thăm tới Đông Jerusalem. Kế hoạch này diễn ra sau chuyến thăm của trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Cận Đông Barbara Leaf đến Israel và Bờ Tây, và khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát tín hiệu trên Twitter rằng họ đã nâng cấp văn phòng tại Jerusalem cho người Palestine, và đổi tên thành “Văn phòng Hoa Kỳ về các vấn đề của người Palestine ở Jerusalem”.
Chuyên gia Natan Sachs lưu ý: “Việc tách văn phòng Palestine khỏi đại sứ quán là một bước đi từng phần, dễ thực hiện so với việc mở lại tổng lãnh sự quán ở Jerusalem, điều mà cả ông Biden và Blinken đều đã cam kết với Palestine”. Trong khi đó, theo chuyên gia Michael Koplow, Tổng thống Joe Biden muốn báo hiệu rằng ông ấy đang tiếp tục sửa chữa quan hệ với người Palestine bất chấp các động thái của Hoa Kỳ không như kỳ vọng của Palestine.
Ông kết luận: “Xung đột giữa Israel và Palestine vẫn còn tương đối thấp trong danh sách các ưu tiên của ông Joe Biden và điều đó khó có thể thay đổi trong tương lai gần nhưng Tổng thống Hoa Kỳ muốn chứng tỏ rằng Washington không phớt lờ những lo ngại của người Palestine và đang có cách giải quyết khác so với người tiền nhiệm Donald Trump. Đó là về một cách tiếp cận mới của Hoa Kỳ hơn là về một sự thay đổi lớn về thực chất hoặc sự thay đổi trong các ưu tiên”.
Chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Hoa Kỳ, trong đó có chặng dừng chân ở Saudi Arabia, cũng được giới quan sát trong ngành dầu mỏ đánh giá là tín hiệu “phá băng” quan hệ giữa Washington và Riyadh. Họ cũng nhìn nhận ý định của Hoa Kỳ yêu cầu Saudi Arabia tăng sản lượng dầu thô để hạ nhiệt thị trường là nhân tố chính thúc đẩy chuyến thăm này. Tuy nhiên, mọi thứ không đơn giản như vậy.
Dư luận có quyền kỳ vọng về một chuyến công du giúp kiềm chế đà tăng của dầu thô nhưng thực tế lại là một câu chuyện khác: Giá dầu có thể còn đứng ở mức cao trong một thời gian dài. Người đứng đầu bộ phận phân tích năng lượng thuộc Goldman Sachs, ông Damien Courvalin, cho rằng rất khó để xử lý nhanh những ách tắc trên thị trường dầu mỏ thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Thị trường đang gặp phải vấn nạn thâm hụt cấu trúc được tích tụ trong nhiều năm. Việc Saudi Arabia tăng sản lượng có thể giúp chặn đà leo thang của giá dầu trong ngắn hạn nhưng đây không phải là giải pháp bền vững.
Có thể thấy rõ điều này qua điều chỉnh chính sách của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) gần đây. OPEC+ đã đạt đồng thuận về tăng sản lượng khai thác nhưng không tác động nhiều đến giá dầu. Lúc đầu, mức tăng này được ấn định là 400.000 thùng/ngày, sau đó được đẩy lên gần 650.000 thùng/ngày vào tuần trước. Một số chuyên gia đánh giá cao quyết định này nhưng số khác cho rằng cam kết đó không tạo ra nhiều thay đổi thực tế trên thị trường.
Theo hãng tư vấn Rapidan Energy Group, rất khó để OPEC+ tăng thêm sản lượng 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8 tới. Con số khả thi chỉ là 355.000 thùng/ngày. Một số thành viên thuộc OPEC+ gặp khó khăn trong duy trì, nâng công suất khai thác, thậm chí không đạt mức theo hạn ngạch (quota) được cấp. Đơn cử, trong tháng 4/2022, lượng dầu thô OPEC khai thác hụt khoảng 2,7 triệu thùng/ngày so với kế hoạch dự kiến.
Theo ông Damien Courvalin, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu đang và sẽ tiếp tục căng thẳng do những yếu tố địa chính trị. Đó là việc Liên minh châu Âu (EU) thông qua quyết định trừng phạt ngành dầu mỏ của Nga. Tại Trung Đông, Libya vẫn đang phải vật lộn với những khó khăn trong khôi phục hoạt động khai thác do chiến sự, trong khi đàm phán về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran không có bước tiến đáng kể nào.
Điều đó đồng nghĩa với việc chuyến thăm Trung Đông của ông Joe Biden hay bất kể một nhà lãnh đạo thế giới nào cũng khó có thể giúp xử lý những điểm nghẽn trên thị trường, nhất là nguồn cung, ông Jeremy Weir, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn giao dịch hàng hóa Trafigura, bình luận. Theo ông, thế giới đang gặp phải rào cản thực sự và thách thức sẽ còn rõ hơn trong 6 tháng tới, khi giá dầu có thể còn tăng mạnh hơn nữa. Một số chuyên gia phân tích phương Tây cho rằng quyết định của OPEC+ về nâng mức sản lượng lên 648.000 thùng/ngày so với 400.000 thùng/ngày trong giai đoạn trước chỉ đơn giản là cách giúp Saudi Arabia “giữ thể diện” trước chỉ trích từ bên ngoài.
Kế hoạch thăm Trung Đông của ông Joe Biden mới chỉ dừng ở mức đồn đoán trên truyền thông, Nhà Trắng chưa xác nhận chính thức thông tin. Nhưng chính Saudi Arabia cũng không mấy hào hứng đề cập đến chuyến thăm “lên lịch” này của Tổng thống Hoa Kỳ. Thậm chí, một nghị sĩ Saudi Arabia còn nói rằng chuyến thăm được lùi lại sang tháng 7, để Washington có thời gian xem xét và chấp thuận các yêu cầu của Riyadh trước. Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Hoa Kỳ đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao để gia tăng nguồn cung và tạo sự ổn định cho thị trường năng lượng thế giới.
Hồi tháng 3, một số quan chức cấp cao trong chính quyền Hoa Kỳ đã tới Riyadh, thúc giục Arab Saudi tăng sản lượng khai thác để hạ nhiệt giá dầu, nhưng Thái tử Mohammed bin Salman đã không đáp ứng đề nghị này của Hoa Kỳ. Đến ngày 2/6 vừa qua, OPEC+ dưới vai trò dẫn dắt của Saudi Arabia tuyên bố sẽ tăng sản lượng khai thác trong tháng 7 và 8, với mức tăng 648.000 thùng/ngày, cao hơn mức tăng hằng tháng trước đó là 400.000 thùng/ngày, khi giá dầu duy trì đà tăng mạnh, EU áp trừng phạt một phần đối với dầu thô xuất khẩu của Nga.