Tổng thống Indonesia Widodo ho nặng có thể vì ô nhiễm không khí
Các quan chức Indonesia xác nhận Tổng thống Joko Widodo đang bị ho dai dẳng trong nhiều tuần qua và cho rằng điều này có thể liên quan đến tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô Jakarta.
“Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu có các bước cụ thể (để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí) trong vòng một tuần. Ông ấy đã bị ho trong suốt 4 tuần qua và nói rằng ông chưa bao giờ gặp tình trạng như thế này”, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno cho biết sau cuộc họp bộ trưởng về vấn đề ô nhiễm không khí ở Jakarta vào ngày 14/8, theo CNN đưa tin ngày 16/8.
Ông Uno cho biết các bác sĩ vẫn đang chẩn đoán nguyên nhân khiến ông Widodo bị ho, nhưng nói thêm rằng tình trạng này có thể liên quan đến chất lượng không khí ngày càng xấu đi.
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin ngày 15/8 cũng xác nhận việc ông Widodo đang bị ho, đồng thời cho biết Bộ Y tế sẽ tăng cường các cuộc kiểm tra để xem xét liệu đang có sự gia tăng các bệnh về phổi và đường hô hấp ở những khu vực bị ô nhiễm không khí hay không.
“Chúng tôi đang theo dõi tình hình”, ông Budi nói. “Tất cả các báo cáo về sự tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe cộng đồng sẽ được các cơ quan liên bộ phối hợp để đánh giá”.
Động thái trên của các quan chức Indonesia được đưa ra sau khi trang giám sát chất lượng không khí IQAir hôm 15/8 công bố dữ liệu cho thấy chất lượng không khí ở thủ đô Jakarta đã hạ xuống mức thấp thứ hai thế giới.
Hôm 9/8, Jakarta đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới sau khi ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí “không tốt cho sức khỏe” gần như mỗi ngày, theo IQAir. Trang này cho biết thủ đô của quốc gia Đông Nam Á này đã liên tục nằm trong bảng xếp hạng 10 thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu kể từ tháng 5.
Các chuyên gia cho biết, ô nhiễm không khí ở khu vực Đại Jakarta đã diễn ra từ lâu, do khói bụi từ các nhà máy, nhà máy nhiệt điện than và tình trạng tắc nghẽn giao thông. Đại Jakarta, hay Jabodetabek, là một khu vực đô thị lớn bao gồm thủ đô Jakarta, thành phố Bogor, Depok, Tangerang và Bekasi.
Phát biểu tại họp bộ trưởng đầu tuần này, Tổng thống Joko Widodo cho biết, trong bối cảnh ô nhiễm không khí gia tăng, cần khuyến khích các công ty thực hiện chế độ làm việc kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và làm việc tại nhà.
Ông yêu cầu chính phủ cần can thiệp khẩn cấp vào việc cải thiện chất lượng không khí, sử dụng thiết bị kỹ thuật thời tiết để tạo mưa và đẩy nhanh việc thực hiện các giới hạn phát thải.
Ông Widodo cũng chỉ đạo tăng số lượng không gian xanh mở ở khu vực Đại Jakarta và yêu cầu chuẩn bị ngay một khoản ngân sách cho việc cung cấp những không gian đó. Chính phủ Indonesia cũng đang xem xét về đề xuất thuế ô nhiễm.
Về trung hạn, Tổng thống Indonesia cho biết chính phủ sẽ thực hiện các chính sách giảm sử dụng phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và khuyến khích chuyển sang phương tiện giao thông công cộng.
Về lâu dài, cần tăng cường các hành động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Widodo nói. “Ngoài việc giám sát trong các lĩnh vực công nghiệp và sản xuất điện, chúng ta cũng phải giáo dục nhận thức trong công chúng”, ông đề xuất.
Bộ trưởng Sandiaga Uno cho biết Indonesia đang cân nhắc các bước cụ thể để cải thiện không khí Jakarta trong dài hạn như Trung Quốc.
“Chúng ta hãy nhìn vào thành công của Bắc Kinh, tôi tin tưởng rằng với sự hợp tác giữa chính quyền và các doanh nghiệp, chúng ta cũng có thể cải thiện chất lượng không khí ở Jakarta”, ông nói.
Bà Bridget Welsh, nhà phân tích chính trị từ Đại học Nottingham, Anh, cho rằng ngay cả khi Indonesia có kế hoạch di dời thủ đô tới Nusantara, tỉnh Tây Kalimantan trên đảo Borneo, thì vấn đề này vẫn sẽ mất nhiều năm nữa và không thể giải quyết hoàn toàn được vấn đề ô nhiễm.
“Chuyển đến thủ đô mới sẽ chỉ giải quyết vấn đề trong ngắn hạn”, bà Welsh nói. “Cái giá phải trả cho sức khỏe do ô nhiễm không khí ở Indonesia là nghiêm trọng và không thể đánh giá thấp”.