Tổng thống Iran thăm Syria: Mở rộng tầm ảnh hưởng
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi vừa có chuyến công du kéo dài 2 ngày (3 và 4-5) tới Syria. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Iran tới Syria kể từ năm 2011, nhằm mục tiêu tăng cường hợp tác thương mại và kinh tế giữa hai nước. Chuyến thăm diễn ra cũng cho thấy, Iran tiếp tục muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của mình...
Tại cuộc hội đàm giữa nguyên thủ quốc gia Iran và Syria, Tổng thống Iran E.Raisi đánh giá cao việc chính phủ và người dân Syria đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong thời gian vừa qua. Về phần mình, Tổng thống Syria B.Assad hoan nghênh chuyến công du lần này của ông E.Raisi, đồng thời khẳng định quan hệ Syria - Iran vẫn luôn ổn định và bền vững trong những giai đoạn khó khăn nhất. Dịp này, các quan chức cấp cao và bộ trưởng hai nước đã ký kết 14 thỏa thuận hợp tác về tương tác thương mại, công nghiệp dầu mỏ và năng lượng, kỹ thuật và công trình, xây dựng nhà ở, đường sắt và vận tải hàng không, khu thương mại tự do, viễn thông, an toàn động đất, hoạt động cứu hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc hành hương...
Chuyến thăm của Tổng thống Iran tới Syria diễn ra trong bối cảnh lực lượng Chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn đất nước với sự giúp đỡ của Nga và Iran. Hiện tại ngày càng nhiều chính phủ trong khu vực nối lại quan hệ với chính quyền Syria. Saudi Arabia sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Arab vào cuối tháng này, theo đó Syria được cho là sẽ có mặt tại hội nghị với tư cách thành viên.
Khi quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Syria và các quốc gia vùng Vịnh đang đến gần, Iran muốn bảo đảm rằng sẽ gặt hái được những lợi ích kinh tế từ sự hỗ trợ của mình. Thương mại song phương giữa Syria và Iran trị giá khoảng 250 triệu USD/năm và có thể đạt ít nhất 1 tỷ USD nếu những trở ngại như thuế quan cao của Syria được nới lỏng. Theo giới chức Iran, những rủi ro về các cuộc tấn công của Israel đối với hàng hóa của Iran qua đường biển hoặc đường bộ đã cản trở hoạt động thương mại. Thế nên, Công ty Đường sắt quốc doanh Iran từ lâu đã mong muốn mở rộng mạng lưới của mình qua các nước láng giềng Iraq và Syria, liên kết với cảng Lattakia của Syria trên biển Địa Trung Hải để thúc đẩy thương mại.
Các nhà lãnh đạo Iran hy vọng thương mại khu vực tăng lên cũng sẽ thúc đẩy sự độc lập về kinh tế của Tehran với phương Tây. Điều này càng trở nên cần thiết khi Thỏa thuận Hạt nhân mà Iran ký với các cường quốc thế giới năm 2015 đã trở nên mong manh, dễ đổ vỡ sau các động thái cứng rắn từ Mỹ. Theo đó, Mỹ đã đơn phương từ bỏ thỏa thuận này vào năm 2018 và áp đặt các làn sóng trừng phạt đối với quốc gia Hồi giáo này. Những lệnh trừng phạt từ Mỹ gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế của Iran, buộc quốc gia này phải củng cố các thị trường của mình.
Saeed Laylaz, một nhà phân tích kinh tế chính trị của Iran cho biết: “Syria không phải là một thị trường lớn đối với Iran nhưng chúng tôi không thể để mất. Iran muốn bán dầu thô cho Syria ngay cả khi họ không thanh toán đúng hạn thay vì không bán và đánh mất thị trường đó”. Trong khi đó, các thỏa thuận hợp tác với Iran rất quan trọng đối với Syria - quốc gia có nền kinh tế đã chạm mức thấp nhất trong thập kỷ qua, với lạm phát leo thang, đồng nội tệ lao dốc và cắt điện tràn lan. Tổng thống Syria B.Assad hy vọng việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với các quốc gia vùng Vịnh cũng sẽ mang đến nguồn tài trợ cho việc tái thiết của Syria, đặc biệt là khi quốc gia này vừa trải qua thảm họa động đất hồi tháng 2 vừa qua.
Là một đồng minh lâu năm của Syria trong khu vực, giới phân tích nhận định chuyến thăm của Tổng thống Iran E.Raisi sẽ mở ra trang mới trong mối quan hệ bền chặt giữa hai nước, với trọng tâm là các chiến lược kinh tế trong dài hạn. Trong đó Iran sẽ có đóng góp quan trọng cho giai đoạn tái thiết của Syria.