Tổng thống Israel công du 2 nước Arab, gửi thông điệp hòa bình
Chuyến công du của Tổng thống Israel Isaac Herzog mang một thông điệp 'hòa bình', giữa lúc các nước Arab lo ngại một chính phủ cực hữu Israel sắp được thành lập sẽ làm quan hệ các bên căng thẳng trở lại vì vấn đề về người Palestine.
Tổng thống Israel Isaac Herzog ngày 4/12 đã tới Bahrain, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên, kéo dài 2ngày tới quốc gia vùng Vịnh – mà Israel vừa mới thiết lập quan hệ 2 năm trước.
Tổng thống Isaac Herzog đã có cuộc gặp với Quốc vương Bahrain Hamad bin Isa Al Khalifa và Ngoại trưởng nước này.
Tại cuộc gặp, Tổng thống Israel nhấn mạnh: “Bahrain đang đi đầu trong việc tạo nên lịch sử ở khu vực - nơi người Do Thái và người Hồi giáo có thể chung sống với nhau như những người con nhà tiên tri Abraham và chúng ta sẽ tiến về phía trước trong hòa bình. Tôi nghĩ những gì chúng ta đang làm hôm nay là một bước tiến nữa, một bước lịch sử khác, hướng tới nâng cấp mối quan hệ và mang lại tình hữu nghị và hợp tác với nhau trong nhiều lĩnh vực. Tôi chắc chắn rằng chuyến thăm này sẽ tăng cường đáng kể sự hợp tác giữa các quốc gia chúng ta, vì lợi ích của người dân của các nước và toàn bộ khu vực”.
Đồng tình với Tổng thống Israel, Ngoại trưởng Bahrain cho rằng, chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ Israel tới Bahrain sẽ mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho hai nước và khu vực, với sự phát triển, thịnh vượng.
Còn Quốc vương Bahrain Hamad bin Isa Al Khalifa trong cuộc gặp đã không quên nhắc lại lập trường vững chắc của nước này trong việc hỗ trợ Israel và Palestine đạt được một nền hòa bình công bằng, toàn diện và bền vững, đảm bảo các quyền hợp pháp của người dân Palestine.
Dự kiến, ngày 5/12, từ Bahrain, Tổng thống Israel sẽ lên đường tới Abu Dhabi, chính thức thăm Các Tiểu vương Quốc Arab thống nhất (UAE). Trước khi lên đường, Tổng thống Israel cho biết, chuyến thăm nhằm truyền tải thông điệp hòa bình của Israel.
Thông điệp này được đánh giá cao và được cho là cần thiết trong bối cảnh tại 2 quốc gia Arab vừa bình thường hóa quan hệ với Israel 2 năm trước này, sự ủng hộ phát triển mối quan hệ với Israel đang giảm sút. Một số cuộc biểu tình phản đối quan hệ với Israel đã diễn ra khi vấn đề Palestine – Israel đang căng thẳng.
Mới đây, Ngoại trưởng UAE còn thẳng thắn tuyên bố sẽ xem xét lại mối quan hệ với Israel nếu một chính phủ mới nước này có các thành phần cực hữu mang tư tưởng cực đoan. Và trên thực tế, điều này có khả năng cao sẽ xảy ra.
Hiệp định Abraham được ký kết hồi tháng 9/2020 nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Hồi giáo/Vùng Vịnh, trong đó Mỹ giữ vai trò trung gian then chốt. Trước đó, chỉ có Ai Cập và Jordan là hai nước Arab có quan hệ với Israel. Kể từ khi ký văn kiện này, mối quan hệ giữa Israel và các quốc gia Vùng Vịnh nói trên đã được mở rộng, đáng chú ý là việc nối lại các chuyến bay thẳng và các thỏa thuận kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn một trở ngại lớn khiến các mối quan hệ này “khó có thể phát triển nhanh chóng” khi vấn đề người Palestine chưa được giải quyết một cách thỏa đáng./.