Tổng thống Kazakhstan thăm Trung Quốc: Mật ngọt chết ruồi

Liệu chuyến thăm chính thức Bắc Kinh của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev có 'xoa dịu' được lòng dân, vốn đang sôi sục về sáng kiến 'Vành đai và Con đường' (BRI) của Trung Quốc? Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Kazakhstan đang ở thời kì “mật ngọt”. (Nguồn: AP)

Bất chấp biểu tình lớn trong cả nước, ngày 11 - 12/9, Tổng thống đương nhiệm Kassym-Jomart Tokayev vẫn có chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Bắc Kinh. Trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), ông khẳng định sẽ thắt chặt quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, cụ thể là khai thác dầu khí, gas, năng lượng mới, công nghệ quốc phòng và ngoại giao nhân dân.

Là nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng sáng kiến BRI, song Kazakhstan không phải là nơi dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng chục tỷ USD được chào đón. Theo Nikkei Asian Review, sự phẫn nộ của người dân về BRI bùng nổ từ tháng 3/2019, khi cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev đột ngột từ chức mà chưa giải quyết được mâu thuẫn với người dân.

Giờ đây, theo giới phân tích, sự phẫn nộ của người dân Kazakhstan đã chạm đến đỉnh điểm, trở thành “ngòi lửa” khơi dậy chủ nghĩa bài Trung Quốc, đặc biệt là ở những người Kazakhstan bản địa và các nhóm dân tộc thiểu số gắn bó với đất nước từ thời Xô Viết. Nhằm kêu gọi Tổng thống Tokayev ngừng chuyến thăm Bắc Kinh, ngưng vay nợ từ Trung Quốc và hủy bỏ 55 dự án hợp tác công, nông nghiệp từ năm 2014, hàng trăm người đã xuống đường biểu tình tại nhiều thành phố, từ thủ đô Nur Sultan tới Almaty, Aktobe và Shymkent. Sự phẫn nộ của người dân đến từ ba nguyên nhân chính.

Thứ nhất, cuộc va chạm giữa chính phủ với công nhân dầu mỏ phản đối các dự án hợp tác giữa Trung Quốc và Kazakhstan tại “nôi vàng đen” Zhanaozen khiến 15 người thiệt mạng hồi tháng 12/2011 đã khơi mào cho mâu thuẫn của chính phủ với người dân.

Thứ hai, năm 2016, sáng kiến thu hút đầu tư nông nghiệp của Chính phủ Kazakhstan cũng gây ra nhiều phản ứng trái chiều, khi người dân Kazakhstan lo ngại Nur Sultan sẽ bán đất nông nghiệp cho Bắc Kinh, đe dọa chủ quyền và an ninh quốc gia.

Thứ ba, trong bối cảnh người dân luôn đặt câu hỏi về lợi ích mà Kazakhstan có thể nhận được từ hợp tác song phương với Trung Quốc, chính quyền nước này lại không đưa ra được một câu trả lời thỏa đáng. Điều này đã trở thành “hòn đá tảng” trong quan hệ giữa chính quyền của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev với người dân.

Bên cạnh đó, Nga đang đóng vai trò đáng kể trong làn sóng bài Trung Quốc, khi các phương tiện truyền thông Nga và phương tiện truyền thông tiếng Nga của Kazakhstan thường xuyên “đổ thêm dầu vào lửa” mỗi khi xảy ra biểu tình. Theo chuyên gia phân tích độc lập Rasul Zhumaly, Moscow có động cơ rõ ràng bởi Nga “từ từ, nhưng chắc chắn đã mất ảnh hưởng chính trị và kinh tế ở Trung Á, đặc biệt là Kazakhstan”.

Là một nhà Hán học, từng theo học tại Học viện Quốc tế Nhà nước Moscow trong những năm 1970 và tham gia các khóa đào tạo tại Đại sứ quán Liên Xô ở Trung Quốc, vị Tổng thống thứ hai của Kazakhstan đang có mối quan hệ “mật ngọt” với chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình. Dù vậy, giới quan sát cho rằng, chuyến thăm Trung Quốc lần này sẽ khó có đột phá, dù cả Nur Sultan lẫn Bắc Kinh đều hiểu rằng, quan hệ hợp tác song phương cần minh bạch và rõ ràng hơn bao giờ hết.

Hải Yến

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-kazakhstan-tham-trung-quoc-mat-ngot-chet-ruoi-100960.html