Tổng thống Malawi tuyên bố 14 ngày quốc tang
Tổng thống Malawi Lazarus Chakwera gọi cơn bão nhiệt đới Freddy càn quét nước này và giết chết 225 người là một 'thảm kịch quốc gia'.
Cơn bão nhiệt đới Freddy khiến nhiều người Malawi bị cuốn trôi bởi dòng nước dữ dội hoặc bị chôn vùi dưới những trận lở đất.
Chính phủ đã thiết lập 30 trại trú ẩn khẩn cấp cho ít nhất 20.000 người phải rời bỏ nhà cửa.
Blantyre, thủ phủ thương mại của Malawi, là thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
"Ngay cả các nhân viên y tế của chúng tôi cũng cần được giúp đỡ”, Bộ trưởng Y tế Khumbize Kandodo Chiponda nói với BBC.
Bà cho biết hơn 5 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi cơn bão.
"Chúng tôi từng trải qua những trận lốc xoáy. Nhưng thật không may, Freddy là thứ hoàn toàn khác, hoàn toàn bất ngờ”, bà nói.
"Chúng tôi vẫn đang trục vớt các thi thể. Một đứa trẻ vừa mới được trục vớt, may mắn là vẫn còn sống".
Cơ quan quản lý thiên tai của chính phủ cho biết 41 người hiện vẫn mất tích và hơn 700 người bị thương khi cơn bão quét qua Blantyre và các khu vực khác ở miền Nam Malawi.
"Bạn thân của tôi, anh trai, chị gái và mẹ của cô ấy đã bị trôn vùi trong trận lở đất. Thi thể của họ vẫn chưa được tìm thấy. Thật tàn khốc", Fadila Njolomole, 19 tuổi, cư dân Blantyre nói với AFP.
Tổng thống Chakwera, đi ủng cao su và mặc áo mưa, đã đến dự lễ tang 21 nạn nhân tại một trường tiểu học trong thành phố.
"Tôi kêu gọi sự hỗ trợ nhiều hơn từ các đối tác và nhà tài trợ quốc tế. Đây là một thảm kịch quốc gia ảnh hưởng đến tất cả chúng ta", ông nói.
Ông tuyên bố 14 ngày quốc tang.
Trong vòng 6 ngày, cơn bão Freddy đã trút lượng mưa tương đương 6 tháng xuống Malawi và Mozambique.
Freddy là một trong 4 cơn bão duy nhất trong lịch sử di chuyển từ Tây Bắc Australia, đi qua toàn bộ Ấn Độ Dương đến lục địa châu Phi. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, Freddy cũng có thể là cơn bão nhiệt đới kéo dài nhất từng được ghi nhận.
Các chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu đang khiến các cơn bão nhiệt đới trên khắp thế giới trở nên dữ dội hơn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tong-thong-malawi-tuyen-bo-14-ngay-quoc-tang-post1412387.html