Tổng thống Mỹ Biden nên làm gì để Thượng đỉnh Mỹ-Nga đạt được thực chất?
Từ khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ không ngừng có hành động gây sức ép với Nga. Để Thượng đỉnh Mỹ-Nga vào hôm 16/6/2021 đạt được thực chất, có lẽ Tổng thống Biden phải chủ động chấp nhận có nhiều nhượng bộ, lựa chọn cách tiếp cận thực tế.
Lịch sử đối đầu Mỹ-Xô và Mỹ-Nga
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga xấu đi, việc kỳ vọng vào những kết quả thực chất và có ý nghĩa từ cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin có lẽ sẽ rất khiêm tốn. Nhưng ngay cả khi ấy, hai nhà lãnh đạo vẫn tỏ ra rất lạc quan. Họ đều chủ động tránh cho việc đối thoại đi đến chỗ bùng nổ tiêu cực và kết thúc bằng sự chỉ trích nhau một cách cay độc. Tuy nhiên, kết quả khả dĩ nhất có thể là một thông cáo chung chung đề cập “các thảo luận mang tính xây dựng” và một “cuộc trao đổi quan điểm một cách thẳng thắn, thân thiện về hàng loạt vấn đề quan trọng”.
Những động thái ngoại giao sẽ không thể che giấu được tình trạng xấu đi một cách nguy hiểm ở tầm sâu trong quan hệ giữa Nga và Mỹ.
Washington đã có một danh sách dài không ngừng mở rộng các bất bình trước Moscow, bao gồm cáo buộc Nga can thiệp vào các vấn đề chính trị nội bộ của Mỹ và các nước khác, rồi các cáo buộc về tấn công mạng... Nhưng mặt khác, các nhà lãnh đạo Mỹ lại làm ngơ trước các hành động mang tính khiêu khích của chính họ đối với Nga. Chiến lược đàm phán điển hình của Mỹ là tung ra một loạt trách móc và yêu cầu đối phương phải có những nhượng bộ tương đương với sự đầu hàng tuyệt đối. Ngược lại, những sự nhượng bộ từ phía Mỹ lại rất tằn tiện hoặc không có gì. Đây là thực chất của phong cách ngoại giao luôn ép đối phương phải chịu thua, và nó phản ánh chính xác cách cư xử của Washington với Moscow trong suốt kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh.
Đã đến lúc Mỹ cần cách tiếp cận khác thay vì tập trung vào đối đầu
Nếu Tổng thống Biden thực sự muốn cứu rỗi hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Nga sắp diễn ra và tạo ra những kết quả tốt đẹp tương xứng, có lẽ phải lựa chọn cách tiếp cận hoàn toàn khác.
Một bước đi quan trọng ban đầu sẽ là thừa nhận rằng một số hành động của Mỹ và khối quân sự NATO đã không đếm xỉa gì đến các lợi ích cốt lõi của Nga. Quyết định mở rộng NATO – liên minh quân sự mạnh nhất trong lịch sử, tới tận biên giới phía tây của nước Nga bằng việc cho 3 nước Baltic gia nhập khối này, đã minh họa chính xác cho điều này. Bên cạnh đó, việc Mỹ cho đóng quân ở một số nước Đông Âu là thành viên của NATO cũng bị xem là một sự khiêu khích nữa đối với Nga. Và trong mắt Nga, các hoạt động tập trận liên tục của NATO ở ngay trước thềm nhà của Nga (ở khu vực Baltic và Biển Đen) thể hiện sự cao ngạo và bất chấp của Mỹ. Còn việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) và thỏa thuận Bầu trời Mở chắc chắn không làm giảm căng thẳng giữa họ và Nga.
Danh sách các “khiêu khích” kiểu này cứ tiếp tục gia tăng. Ngay cả khi lãnh đạo Mỹ than phiền về việc điện Kremlin can thiệp vào chính trị của các “nước dân chủ”, họ lại đồng thời từ chối thừa nhận rằng Washington cũng có can thiệp vào tình hình Ukraine cuối năm 2013 và đầu năm 2014, giúp những người biểu tình hạ bệ chính phủ dân cử của Ukraine thân Nga. Hiện nay, Mỹ công khai đứng cùng phe với thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny trong cuộc đối đầu chính trị với Tổng thống Nga Putin. Tại Belarus, Mỹ cũng ủng hộ những người biểu tình muốn lật đổ Tổng thống Alexander Lukashenko, đồng minh của điện Kremlin.
Có vẻ như phía Mỹ và NATO thiên về lựa chọn cách đối đầu hơn. Thông cáo của hội nghị Thượng đỉnh NATO mới kết thúc cũng thẳng thừng coi Nga là một “mối đe dọa”, trong khi chỉ coi Trung Quốc là tạo ra “các thách thức”. Tâm lý sợ Nga của phương Tây vẫn rất căng.
Hiểu Nga hơn và lựa chọn các giải pháp thực tế trong tầm tay
Có đầu óc thực tế về các yêu cầu của Mỹ và thể hiện sự sẵn lòng thực hiện các nhượng bộ có ý nghĩa sẽ tạo ra con đường tới một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga thành công, thậm chí có thể tạo ra đột phá trong quan hệ giữa Nga và Mỹ. Gây sức ép lên ông Putin về việc ngăn chặn các hoạt động tấn công mạng xuất phát từ Nga thì hợp lý và khả thi hơn là khăng khăng yêu cầu Nga trả lại Crimea cho Ukraine. Ngoài ra ban lãnh đạo Mỹ phải cụ thể hơn về những gì là sự can thiệp “không chấp nhận được” khi họ nêu ra cái gọi là sự can thiệp của Nga vào công việc chính trị nội bộ của Mỹ. Hầu hết các nước lớn (bao gồm Mỹ và đồng minh của họ) đều có thực hiện các chiến dịch quan hệ công chúng và tuyên truyền mạnh mẽ, vì thế nếu lôi riêng Nga ra để trút sự phẫn nộ về những hoạt động như vậy là điều vô ích. Còn việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế để đáp trả, như Mỹ vẫn làm, càng khiến tình hình tệ hại hơn.
Hiện nay ông Biden có thể không đảo ngược được việc mở rộng NATO từ thời Liên Xô sụp đổ nhưng ông vẫn có thể lựa chọn giải pháp tạm ngừng kết nạp thành viên NATO và phủ quyết các nỗ lực kết nạp Ukraine và Gruzia vào khối này. Nhìn từ phía Nga, việc Ukraine trở thành thành viên của NATO và lực lượng quân sự phương Tây đóng trên đất Ukraine sát Nga sẽ là điều vượt qua lằn ranh đỏ một cách rõ ràng. Phản ứng của Nga khi ấy cũng tương tự như của Mỹ trong tình huống giả định là Trung Quốc đưa Canada và Mexico (láng giềng của Mỹ) vào một liên minh quân sự mà Trung Quốc chi phối.
Tiếp đó cần đến các nhượng bộ nữa như mở lại đàm phán về việc Mỹ trở lại hiệp ước INF và thỏa thuận Bầu trời Mở. Các động thái này đều sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho chính Mỹ trong mọi hoàn cảnh, cũng như giảm căng thẳng quân sự ở châu Âu. Nhượng bộ quan trọng khác là chấm dứt triển khai quân Mỹ ở Đông Âu và giảm quy mô, tần suất, và độ gần của các cuộc tập trận của NATO gần biên giới Nga. Và khi ấy, Mỹ sẽ có lý do hợp lý để yêu cầu Nga rút bớt quân khỏi những vị trí gần biên giới các thành viên của NATO.
Xác suất ông Biden thực hiện các bước đi trên là rất thấp. Và khi hội nghị Thượng đỉnh Putin-Biden không đạt được kết quả thực chất nào, quan hệ Mỹ-Nga sẽ tiếp tục lạc trôi vào trạng thái đối đầu nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn tới thảm họa khôn lường./.