Tổng thống Mỹ chẳng giấu giếm ý định muốn điều quân sang Mexico và lời hồi đáp dứt khoát từ nước láng giềng: 'Chủ quyền là bất khả xâm phạm'
Một loạt tuyên bố qua lại cuối tuần qua đã làm gia tăng lo ngại tại Mexico rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể thúc đẩy việc đưa lực lượng quân sự Mỹ vào lãnh thổ nước này nhằm đối phó với tội phạm ma túy.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum. (Nguồn: Reuters)
Báo The Guardian đưa tin, ngày 5/5, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết, bà đã từ chối đề nghị từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đưa quân đội của nước ông vào Mexico để hỗ trợ chống tội phạm ma túy.
Phát biểu tại họp báo, bà nhấn mạnh: “Tôi đã nói với ông ấy ‘Không, Tổng thống Trump, lãnh thổ của chúng tôi là bất khả xâm phạm, chủ quyền của chúng tôi là bất khả xâm phạm".
Theo nhà lãnh đạo, Mexico-Mỹ có thể hợp tác và chia sẻ thông tin, nhưng "sẽ không bao giờ chấp nhận sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ của chúng tôi".
Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo hồi tuần trước. Bà Sheinbaum khẳng định Mexico sẵn sàng hợp tác, nhưng “không bao giờ chấp nhận sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ mình”.
Tổng thống Trump sau đó cũng xác nhận, ông đã đưa ra đề nghị, cho rằng các băng đảng Mexico là “những kẻ giết người hàng loạt” và Mexico “không thể tự đối phó”.
Ông chủ Nhà Trắng phát biểu trên chuyên cơ Không lực Một hôm 4/5 rằng: "Nếu Mexico muốn được giúp đỡ chống lại các băng đảng ma túy, chúng tôi sẽ rất vinh dự hành động".
Dù trao đổi qua lại gây chú ý, quan hệ công khai giữa hai nhà lãnh đạo vẫn được đánh giá là tương đối hòa nhã. Bà Sheinbaum đang tìm cách cân bằng giữa việc duy trì quan hệ thương mại thiết yếu với Mỹ và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng hồi tháng Một, Tổng thống Trump đã tái áp đặt một số biện pháp thuế quan gây sức ép lên chính phủ Mexico nhằm kiểm soát di cư và buôn lậu fentanyl. Chính quyền của bà Sheinbaum đã đáp trả bằng việc tăng cường binh sĩ tới biên giới và trao trả 29 đối tượng tội phạm có tổ chức cho Washington, bao gồm Rafael Caro Quintero – trùm ma túy bị kết án sát hại một đặc vụ của Lực lượng chống ma túy Mỹ (DEA) vào năm 1985.
Bà Sheinbaum từ bỏ chiến lược “không đối đầu” của người tiền nhiệm López Obrador, thay vào đó tăng cường trấn áp các tổ chức tội phạm, với số vụ bắt giữ và thu giữ ma túy, vũ khí gia tăng đáng kể.
Giới quan sát nhận định, áp lực từ Washington đã góp phần thúc đẩy Mexico hành động. Chuyên gia thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR) Will Freeman nhận định: “Tổng thống Trump đã tạo ra sức ép thực sự buộc Mexico phải phản ứng”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng biện pháp quân sự không thể giải quyết tận gốc tình trạng tội phạm có tổ chức tại Mexico. “Muốn thay đổi cán cân quyền lực giữa nhà nước và tội phạm, cần có tình báo hiệu quả, hệ thống tư pháp minh bạch và ý chí chính trị”, ông Freeman nói.
Tổng thống Trump đã cảnh báo Mỹ có thể đơn phương hành động nếu Mexico không có bước tiến đủ mạnh. Tuy nhiên, bà Sheinbaum khẳng định, Mexico không chấp nhận bất kỳ sự “xâm phạm chủ quyền” nào từ bên ngoài.
Chuyên gia thuộc Sáng kiến toàn cầu chống tội phạm có tổ chức cuyên quốc gia Cecilia Farfán-Méndez cảnh báo: “Chính phủ Mexico không nên mặc định rằng hành động quân sự đơn phương là điều không thể xảy ra. Cần phải chuẩn bị mọi kịch bản”.