Tổng thống Mỹ chưa từ bỏ ý định 'kiểm soát và sở hữu' Dải Gaza

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/4 đã bày tỏ mong muốn chấm dứt cuộc chiến ở Dải Gaza.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu trong cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, ông Trump xác nhận nhiều nỗ lực đang được triển khai để giải cứu các con tin hiện bị Hamas giam giữ, song khẳng định mục tiêu đảm bảo toàn bộ các con tin được trả tự do là “một quá trình dài”.

Về phần mình, Thủ tướng Netanyahu tiết lộ những cuộc đàm phán mới đang được tiến hành nhằm mục đích giải cứu thêm nhiều con tin khỏi Gaza. Nhà lãnh đạo Israel chia sẻ: “Chúng tôi đang xây dựng một thỏa thuận khác mà chúng tôi hy vọng sẽ thành công và chúng tôi cam kết giải thoát tất cả các con tin”.

Đáng chú ý, phát biểu với báo giới sau khi kết thúc cuộc gặp Thủ tướng Israel, Tổng thống Trump tuyên bố quyền “kiểm soát và sở hữu” của Mỹ đối với Dải Gaza sẽ là “điều tốt đẹp,” qua đó tiếp tục nhắc lại đề xuất mà ông đã đưa ra nhiều lần trong những tuần đầu tiên trở lại Nhà Trắng.

Cũng trong ngày 7/4, các cơ quan của LHQ đã đưa ra thông báo chung, trong đó kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp và quyết đoán để khôi phục lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, đảm bảo tiếp cận nhân đạo không hạn chế và bảo vệ sinh mạng của dân thường.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, thông báo có chữ ký của lãnh đạo 6 cơ quan gồm Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Văn phòng Dịch vụ Dự án của LHQ (UNOPS), Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Các cơ quan của LHQ ghi nhận suốt hơn 1 tháng qua, không có bất kỳ nguồn cung cấp thương mại hoặc nhân đạo nào vào Dải Gaza, nơi có hơn 2,1 triệu người vẫn bị mắc kẹt trong chiến sự và tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng.

Trong khi đó, các loại hàng viện trợ thiết yếu - bao gồm thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu và lều trú ẩn - tiếp tục bị tắc nghẽn tại các cửa khẩu biên giới, không thể tiếp cận được những người đang có nhu cầu.

Trích dẫn các báo cáo gần đây, 6 cơ quan của LHQ cho biết hơn 1.000 trẻ em đã thiệt mạng hoặc bị thương chỉ trong tuần đầu tiên sau khi lệnh ngừng bắn bị phá vỡ, số trẻ em tử vong hàng tuần cao nhất ở Dải Gaza trong năm qua.

Thông báo cũng nhấn mạnh các lệnh sơ tán mới của Israel đã khiến hàng trăm nghìn người Palestine phải di dời, nhiều người không có nơi nào an toàn để đi. Kể từ tháng 10/2023, ít nhất 408 nhân viên cứu trợ nhân đạo đã thiệt mạng trong cuộc xung đột, trong đó có hơn 280 nhân viên của UNRWA.

Thông báo nêu rõ: “Chúng ta đang chứng kiến những hành động chiến tranh ở Dải Gaza, cho thấy thái độ coi nhẹ hoàn toàn đối với mạng sống của con người”.

Những người đứng đầu 6 cơ quan nêu trên kêu gọi lãnh đạo thế giới hành động ngay lập tức và kiên quyết để duy trì các nguyên tắc cốt lõi của luật nhân đạo quốc tế. Thông báo khẳng định: “Bảo vệ dân thường. Tạo điều kiện cho viện trợ. Trả tự do cho các con tin". OCHA, UNICEF, UNOPS, UNRWA, WFP và WHO nêu bật yêu cầu: “Bảo vệ dân thường. Tạo điều kiện cho viện trợ. Trả tự do cho các con tin”.

Trong diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông và Bắc Phi, truyền thông khu vực ngày 7/4 đưa tin Israel đã mở rộng đáng kể quyền kiểm soát ở Dải Gaza kể từ khi tái khởi động chiến dịch quân sự ở vùng lãnh thổ đang bị phong tỏa của Palestine vào tháng trước.

Cụ thể, Tel Aviv hiện kiểm soát hơn 50% lãnh thổ Dải Gaza và đang dồn người Palestine vào những vùng đất ngày càng bị thu hẹp.

Các binh sĩ và nhóm nhân quyền Israel xác nhận khu vực tiếp giáp lớn nhất mà quân đội nước này kiểm soát là xung quanh biên giới Gaza-Israel, nơi các lực lượng của Tel Aviv đã san phẳng nhà cửa, đất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng của người Palestine đến mức không thể ở được. Vùng đệm quân sự này đã tăng gấp đôi diện tích trong những tuần gần đây.

Israel khẳng định việc siết chặt quyền kiểm soát là nhu cầu tạm thời, song các nhóm nhân quyền và chuyên gia về Gaza dự báo vùng đất mà Tel Aviv nắm giữ, bao gồm một hành lang phân chia lãnh thổ phía Bắc và phía Nam, có thể được sử dụng để nắm quyền kiểm soát lâu dài.

Tuần trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố ngay cả sau khi Hamas bị đánh bại, Tel Aviv sẽ vẫn duy trì quyền kiểm soát an ninh tại Gaza và thúc đẩy người Palestine rời khỏi quê hương của họ.

Truyền thông khu vực dẫn lời các binh sĩ Israel giấu tên tiết lộ hoạt động phá dỡ gần biên giới Israel - Gaza và việc mở rộng có hệ thống vùng đệm đã diễn ra kể từ khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bắt đầu cách đây 18 tháng.

Cũng trong ngày 7/4, các nhà lãnh đạo của Pháp, Ai Cập và Jordan tuyên bố chỉ có Chính quyền Palestine (PA) mới được quyền quản lý Dải Gaza, sau khi kết thúc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas.

Trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh 3 bên ở Cairo, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Quốc vương Jordan Abdullah II nêu rõ quan điểm cho rằng PA là cơ quan duy nhất có trách nhiệm quản trị, thiết lập luật pháp và trật tự, cũng như an ninh ở Dải Gaza và trên toàn bộ các vùng lãnh thổ của Palestine.

Các nhà lãnh đạo của Pháp, Ai Cập và Jordan cũng kêu gọi “khôi phục ngay lập tức” thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza.

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/quoc-te/202504/tong-thong-my-chua-tu-bo-y-dinh-kiem-soat-va-so-huu-dai-gaza-62a0b98/