Tổng thống Mỹ đề xuất với Thủ tướng Anh kế hoạch đối đầu 'Vành đai con đường'
Ông Biden cho biết đã gợi ý với Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 26/3 rằng các nước nên có kế hoạch cạnh tranh với sáng kiến 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã gợi ý với Thủ tướng Anh Boris Johnson trong một cuộc điện đàm hôm 26/3, rằng các nước nên có kế hoạch cơ sở hạ tầng để cạnh tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
“Tôi đề nghị rằng chúng ta nên có, về cơ bản, một sáng kiến tương tự, từ các quốc gia dân chủ, để giúp đỡ những cộng đồng trên toàn thế giới mà trên thực tế đang cần được giúp đỡ”, ông Biden nói.
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc là kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ USD do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013, liên quan đến các dự án phát triển và đầu tư trải dài từ Đông Á sang châu Âu.
Dự án sẽ mở rộng đáng kể ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc, gây lo ngại cho Mỹ và các nơi khác.
Ông Biden cho biết sẽ ngăn Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia mạnh nhất thế giới, đồng thời cam kết đầu tư để đảm bảo Mỹ giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa hai nền kinh tế.
Tân Tổng thống Mỹ dự định tiết lộ kế hoạch trị giá hàng nghìn tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng vào tuần tới. Ông cho biết điều này sẽ đảm bảo Mỹ tăng cường đầu tư vào các công nghệ mới đầy hứa hẹn, như điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học.
Trong khi bày tỏ quan ngại và tìm cách khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư cho các dự án ở nước ngoài để cạnh tranh với các dự án của BRI, Washington vẫn chưa thuyết phục được các nước rằng họ có thể đưa ra giải pháp thay thế.
Hơn 100 quốc gia đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để hợp tác trong các dự án BRI như đường sắt, cảng, đường cao tốc và các cơ sở hạ tầng khác. Theo dữ liệu của Refinitiv, tính đến giữa năm 2020, hơn 2.600 dự án với chi phí 3,7 nghìn tỷ USD đã được liên kết với sáng kiến này.
Tuy nhiên, năm ngoái, Trung Quốc cho biết khoảng 20% dự án BRI đã bị “ảnh hưởng nghiêm trọng” bởi đại dịch COVID-19.
BRI cũng vấp phải một số chỉ trích là tốn kém và không cần thiết.