Tổng thống Mỹ gửi thông điệp về thế giới không có vũ khí hạt nhân
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết sẽ phấn đấu hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân trong thông điệp được ông viết vào cuốn sổ lưu bút của Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết sẽ phấn đấu hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân trong thông điệp được ông viết vào cuốn sổ lưu bút của Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima.
Tổng thống Mỹ Joe Biden viết lưu bút tại Bảo tàng Tưởng niệm hòa bình Hiroshima, Nhật Bản, ngày 19/5/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Ngày 20/5, Chính phủ Nhật Bản cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết sẽ phấn đấu hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân trong thông điệp được ông viết vào cuốn sổ lưu bút của Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, nơi lưu lại những vết tích hậu quả của vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này hồi năm 1945.
“Hy vọng những câu chuyện mà bảo tàng lưu giữ nhắc nhở tất cả chúng ta về nghĩa vụ xây dựng một tương lai hòa bình… Cùng nhau, chúng ta hãy tiếp tục đạt được tiến bộ hướng tới ngày mà chúng ta có thể cuối cùng và mãi mãi thoát khỏi thế giới vũ khí hạt nhân”.
Tổng thống Biden đã viết dòng lưu bút trên khi ông cùng các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đến thăm Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima vào ngày 19/5, bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh G7 kéo dài 3 ngày tại thành phố ở miền tây Nhật Bản.
Ông Biden là tổng thống đương nhiệm thứ hai của Mỹ sau cựu Tổng thống Barack Obama đặt chân đến Hiroshima.
Đây cũng là lần đầu tiên tất cả các nhà lãnh đạo G7, trong đó có 3 cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh và Pháp, cùng đến thăm Bảo tàng Tưởng niệm Hiroshima.
Bảo tàng Tưởng niệm Hiroshima trưng bày đồ dùng mà các nạn nhân để lại, ảnh và các tài liệu khác thể hiện hậu quả kinh hoàng của vụ Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố cùng tên vào ngày 6/8/1945.
Ước tính vụ ném bom đã cướp đi sinh mạng của 140.000 người tính đến cuối năm 1945.
Quả bom nguyên tử thứ hai được thả xuống thành phố Nagasaki, tây nam Nhật Bản, vào ngày 9/8/1945, khiến Nhật Bản đầu hàng 6 ngày sau đó, dẫn đến sự kết thúc của Chiến tranh Thế giới thứ II.
Là người thúc đẩy quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Hiroshima, Thủ tướng Kishida đã nhấn mạnh sự cần thiết để các nhà lãnh đạo G7 chứng kiến tận mắt hậu quả của việc sử dụng bom nguyên tử trong bối cảnh động lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân còn chưa thật mạnh mẽ.
Trước khi lên đường đến Hiroshima, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã cam kết sẽ thúc đẩy mục tiêu về một thế giới không vũ khí hạt nhân tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này.