Tổng thống Mỹ Joe Biden 'bế tắc' trước thử thách kinh tế đầu tiên?
Mất 10 năm để có thể phục hồi hoàn toàn 100% việc làm, 'đổi' 1.900 USD để lấy sự hồi phục kinh tế sau 1 năm... Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đối mặt với những thử thách có tính quyết định để không chỉ giúp đưa đất nước vượt qua khó khăn chưa từng có, mà còn hiện thực hóa lời hứa của chính ông đối với người dân.
Bài toán 'siêu khó' về lao động và việc làm
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, thị trường lao động đã phục hồi nhẹ trong tháng 1/2021 khi có thêm 49.000 việc làm. Nhưng báo cáo cũng cho thấy, tăng trưởng của thị trường này đang chững lại, gần như không thể thu hẹp khoảng cách khổng lồ do đại dịch gây ra. Số người thất nghiệp vẫn đang ở mức tệ nhất kể từ Khủng hoảng Tài chính 2008.
Bình luận về khoảng cách này, Tổng thống Biden nhận định, “Với tốc độ đó, chúng ta sẽ mất 10 năm để có thể phục hồi hoàn toàn 100% việc làm”. Trên thực tế, khoảng một nửa trong số 22 triệu việc làm bị mất trong thời kỳ cao điểm của đại dịch đã được khôi phục lại. Nhưng vẫn còn đó khoảng 10 triệu chỗ làm dài hạn rất khó hồi phục, cùng với sự phục hồi bất cân xứng đối với các vị trí do phụ nữ đảm nhiệm và các lao động có mức lương thấp, là những bài toán gần như còn bế tắc trong tình trạng kinh tế Mỹ như hiện nay.
Khi kinh tế Mỹ mở cửa trở lại vào năm ngoái sau khi đóng cửa trên diện rộng nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan, nhiều nhân viên văn phòng đã được điều chỉnh sang làm việc từ xa, một số lao động được gọi làm việc trở lại nhưng với một công việc khác.
Tuy nhiên, số lượng lớn lao động gốc Phi, Mỹ Latinh và châu Á, những người có mức lương thấp với những công việc như bồi bàn, pha chế tại quán bar, đầu bếp và quản gia vẫn đang thất nghiệp.
Tỷ lệ thất nghiệp chung đã giảm xuống còn 6,3% trong tháng 1/2021, nhưng trong tỷ lệ đó sự chênh lệch lớn về chủng tộc ngày càng hiện hữu - hơn 9% công nhân da đen vẫn thất nghiệp, so với tỷ lệ dưới 6% công nhân da trắng.
Trước đại dịch, tỷ lệ phụ nữ đi làm hoặc đang tìm việc đã tăng lên nhờ kinh tế Mỹ tăng trưởng trong thời gian dài kỷ lục. Cuộc khủng hoảng đã làm đảo ngược những thành quả đó, một phần không nhỏ là việc đóng cửa trường học và trung tâm chăm sóc trẻ em đã ảnh hưởng lớn đến các bà mẹ đang đi làm.
Theo số liệu của Bộ Lao động, dịch Covid-19 đã khiến khoảng 2,5 triệu phụ nữ phải bỏ việc so với 1,8 triệu nam giới. Ông Biden từng tuyên bố, muốn giúp nhiều phụ nữ trở lại làm việc thông qua các chính sách mở cửa lại trường học một cách an toàn và giúp dịch vụ chăm sóc trẻ em trở nên hợp lý hơn.
Một "mảng tối" nữa là các doanh nghiệp kinh doanh dựa vào du lịch hoặc ngành dịch vụ cũng đang phục hồi chậm chạp. Nhiều lao động làm việc trong bếp nhà hàng, pha chế đồ uống hoặc lao động tại các khách sạn vẫn không có việc làm.
Việc làm trong lĩnh vực giải trí và khách sạn đã giảm 23% trong tháng 1/2021 so với mức trước đại dịch vào tháng 2/2020, nhiều hơn bất kỳ ngành nào khác.
Các chuyên gia kỳ vọng, nhiều việc làm trong các lĩnh vực đó sẽ được phục hồi sau khi vaccine được phân phối rộng rãi, giúp người tiêu dùng cảm thấy thoải mái và an toàn hơn khi đến các nhà hàng, quán bar và các địa điểm giải trí. Tuy nhiên, không ai dám chắc việc làm có được phục hồi hoàn toàn như trước đây hay không.
Một vấn đề nan giải là những người “thất nghiệp dài hạn” hay những người đã mất việc ít nhất 6 tháng hiện chiếm khoảng 40% tổng số người thất nghiệp, tức khoảng 4 triệu người, so với khoảng 20% người thất nghiệp giai đoạn trước đại dịch.
Nghiên cứu cho thấy, những người thất nghiệp dài hạn có thể gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm việc làm mới, khiến họ có nguy cơ phải đối mặt với việc cắt giảm lương hoặc rời bỏ thị trường lao động.
Nhằm giải quyết vấn đề này, ông Biden muốn tạo ra các công việc có sự trợ cấp của các Chính quyền liên bang trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, năng lượng sạch và các lĩnh vực khác, nhằm giúp những người thất nghiệp dài hạn chuyển sang các công việc mới. Tuy nhiên, việc hoạch định chính sách của mỗi Chính quyền liên bang lại có những khó khăn không giống nhau.
"Liều thuốc" làm lành vết thương?
Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) cho biết, kinh tế nước này trong năm 2020 đã suy giảm 3,5% do tác động của Covid-19. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1946 và là năm đầu tiên nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái kể từ cuộc đại suy thoái diễn ra vào năm 2009.
Kể từ tháng 6, gần 8 triệu người Mỹ đã gia nhập danh sách người nghèo, theo nghiên cứu của Đại học Chicago và Notre Dame. Khoảng 27 triệu người trưởng thành hiện thuộc các hộ gia đình không có đủ đồ ăn trong 7 ngày qua, theo khảo sát Census Household Pulse Survey.
Như nhận định của TS. Jared Bernstein, thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, việc chỉ ra những vấn đề trên chỉ có giá trị khi Chính phủ phải sớm hành động và có thêm các gói cứu trợ.
Tuy nhiên, những nỗ lực giải quyết khó khăn ngay lập tức không phải lúc nào cũng dễ dàng như mong muốn. Chẳng hạn, việc xúc tiến triển khai gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD do Tổng thống Biden đề xuất hồi tháng 1, không nhẹ nhàng "vượt ải" như cách giới truyền thông "giật tít", khi nó vượt qua sự phản đối của phe Cộng hòa để được thông qua tại lưỡng viện Quốc hội hồi tuần trước.
Trong thời điểm khó khăn hiện tại, nhiều người Mỹ đang tiệm cận “ngưỡng nguy kịch”, dù gói cứu trợ "khủng" được đánh giá là "liều thuốc" cần thiết, không chỉ chữa lành vết thương do Covid-19, mà có thể hỗ trợ vực dậy nền kinh tế qua các khoản đầu tư quan trọng.
Nhưng trên thực tế, để vượt qua lưỡng viện, gói cứu trợ đã phải nhờ đến lá phiếu ủng hộ của Phó Tổng thống Kamala Harris để phá vỡ thế 50-50. Ngoài ra, từ nay cho đến giữa tháng 3, đảng Dân chủ còn phải nhanh chóng hoàn thành một dự luật đủ chi tiết, đủ thuyết phục trước khi cuộc bỏ phiếu cuối cùng về dự luật được tiến hành.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện tại không phải là lúc nước Mỹ có thể "thắt lưng buộc bụng", hay có thể cân nhắc quá nhiều. Nhưng cũng không ít người lo ngại, một gói kích thích khổng lồ sẽ không chỉ tạo ra sự bùng nổ kinh tế năm nay, mà còn khiến giá tài sản tăng vọt.
"Tôi không biết liệu chúng ta đã hiểu hết tất cả tác động của việc bơm nhiều tiền như thế này vào nền kinh tế, khi phần lớn các lĩnh vực vẫn đang vật lộn trong đại dịch hay chưa?", Tim Duy - Giáo sư kinh tế tại Đại học Oregon đặt câu hỏi.
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, nợ công của Mỹ tăng thêm 7.000 tỷ USD, lên 27.000 tỷ USD. Con số này được dự báo sẽ tăng vọt dưới thời đương kim Tổng thống Joe Biden.
Những quyết sách kinh tế có thể là cần thiết trong bối cảnh hiện tại, nhưng việc chất cao thêm khối nợ có thể gây ra không ít hệ quả đau đớn. CRFB mới đây dự báo, tỷ lệ nợ trên GDP năm 2021 sẽ là 10,4% - cao nhất lịch sử nước này, nếu không tính thời Thế chiến II.
Chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách sẽ giúp giảm thiệt hại gây ra bởi cuộc khủng hoảng y tế, đồng thời giải quyết bất bình đẳng đang ngày càng trầm trọng. Chính quyền của Tổng thống Biden đang cố gắng thực hiện một nhiệm vụ rất khó khăn, trong khi chưa có bất cứ chính sách nào hay tăng thuế để bù đắp các khoản chi.
Có ý kiến cho rằng, Chính quyền ông Biden nên đợi thêm vài tháng để đánh giá tác động của gói kích thích 900 tỷ USD mới được triển khai trước đó, không thể "vung tiền vô tội vạ".
Nhưng như Chủ tịch Hội đồng Ngân sách Liên bang (CRFB) Maya MacGuineas, hiện tại có vẻ quá sớm để tung thêm gần 2.000 tỷ USD nữa vào nền kinh tế, khi gói kích thích trước mới chỉ vừa triển khai, nhưng bà cũng thừa nhận "có lẽ phải vay thêm nữa thì tình hình mới chuyển biến".
Tổng thống Biden bước vào Nhà Trắng trong thời kỳ lãi suất thấp kỷ lục. Vì thế, nước Mỹ có thể đi vay trong 10 năm với lãi suất chỉ 1%, thay vì 3% như thời cựu Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, nếu lãi suất đi vay tăng nhanh, khối nợ quốc gia sẽ trở nên rất nặng nề. Lãi suất thấp đã thay đổi cuộc tranh luận về tài khóa, nhưng không nên cho rằng, nó sẽ kéo dài mãi.
Như vậy, cái khó của ông Biden và đội ngũ chính là đánh giá được phương án nào thực sự có lợi hơn. Đứng giữa hai lựa chọn hành động nhanh và hành động thận trọng, có thể ông Biden phải lựa chọn phương án ba, để vừa đảm bảo triển khai nhanh chóng các giải pháp, vừa giảm nhẹ những mất mát trong dài hạn.