Tổng thống Mỹ sẽ phải làm gì để không mất ngôi bá chủ trước Trung Quốc?

Cựu Tổng thống Abraham Lincoln từng nói: 'Một ngôi nhà bị chia rẽ thì bản thân nó đã không thể đứng vững'.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo cơ hội cho Trung Quốc rút ngắn khoảng cách tới vị trí lãnh đạo toàn cầu sau Covid-19.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo cơ hội cho Trung Quốc rút ngắn khoảng cách tới vị trí lãnh đạo toàn cầu sau Covid-19.

Hậu Covid-19, thế giới sẽ bước sang một giai đoạn mới không chỉ ở việc mỗi người phải tự bảo vệ sức khỏe bản thân mà ở tầm vĩ mô, cục diện địa chính trị thế giới đã và đang dần thay đổi. Trên tờ National Interest, hai tác giả là chuyên gia ngoại giao và quân sự chuyên nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng, Mỹ đang dần đánh mất vị trí lãnh đạo toàn cầu và không ai khác, Trung Quốc đang không ngừng nỗ lực để lấp đầy khoảng trống quyền lực ấy.

Cốt lõi nằm ở chính sách đối ngoại

Lý giải rõ nhận định trên, hai chuyên gia Dominique Reichenbach - học giả tại Trung tâm “American David Boren” và ông Patrick Mendis - nhà cựu ngoại giao Mỹ, chuyên gia quân sự, nghiên cứu sinh tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, từ khi nhậm chức đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump tập trung vào nội bộ nước Mỹ, cắt bớt những chương trình, chiến lược, các mối quan hệ quốc tế mà Mỹ phải chi tiêu nhiều trong khi không nhận được về nhiều lợi ích về kinh tế.

Điều này được thể hiện rõ qua sự khác biệt trong chính sách đối ngoại của Mỹ và Trung Quốc liên quan tới đại dịch Covid-19. Theo hai tác giả, nếu như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đổ tiền vào đại dịch Covid-19 để định hình lại Sáng kiến Vành đai và Con đường, đồng thời thúc đẩy quảng bá những nguồn lực y tế Trung Quốc ra nước ngoài thì Tổng thống Mỹ Donald Trump lại sử dụng đại dịch để quảng bá con đường quay trở lại Nhà Trắng của riêng ông trong nhiệm kỳ tới.

Tính đến thời điểm này, loại virus chết người này đã cướp đi sinh mạng của hơn 120.000 người Mỹ nhưng thay vì tập trung cho những chính sách kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, Nhà Trắng dười thời Tổng thống Trump lại chuyển hướng chỉ trích về nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh. Điển hình như cách ông chủ Nhà Trắng gọi dịch bệnh là “kung flu” (ám chỉ Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc). Mới đây, Nhà Trắng cũng công bố báo cáo cho rằng chính quyền Bắc Kinh giấu diếm khi dịch bệnh bùng phát.

Tận dụng hiệu quả “Con đường tơ lụa y tế”

Từ tháng 3/2020, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh mong muốn phối hợp với Italy, xây dựng “Con đường Tơ lụa Y tế”.

Khi Italy trở thành trung tâm truyền thông thế giới vì là tâm dịch Covid-19 đầu tiên của châu Âu, Trung Quốc đã cung cấp cho Italy tới 31 tấn nhu yếu phẩm cần thiết cũng như 3 lần hỗ trợ bác sĩ chăm sóc tích cực.

Với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Italy là lựa chọn hiển nhiên khi hướng đến mục đích cuối cùng là thành lập quan hệ đối tác châu Âu trên con đường Tơ lụa Y tế mới của ông, bởi đây là quốc gia trong nhóm G7 đầu tiên nắm lấy Sáng kiến Con đường Tơ lụa Y tế.

Đối với Trung Quốc, Italy còn là một trung tâm kết nối, cảng chiến lược của châu Âu, đặc biệt ở TP Trieste gần Venice. Ngoài ra, có hơn 300 nghìn người Trung Quốc sống ở TP Lombardy có kết nối trực tiếp với Vũ Hán qua các chuyến bay thường ngày.

Vài ngày sau chuyến bay chở hàng cứu trợ đầu tiên cho Italy, Trung Quốc mở rộng “Con đường Tơ lụa Y tế”, tiến sâu vào khu vực châu Âu thông qua trợ cấp cho Tây Ban Nha.

Thay vì dùng máy bay để vận tải hàng hóa, Trung Quốc lại dùng tàu để vận chuyển trong 17 ngày trên quãng đường 13 nghìn km từ Nghĩa Ô đến Madrid, để khai trương tuyến đường phía Bắc thuộc BRI.

Dưới ý nghĩa hoạt động từ thiện, chuyến hàng này là biểu tượng thể hiện khao khát chính trị hiện đại của Trung Quốc. Chuyến tàu này đã hồi sinh một tuyến đường ọp ẹp kết nối Nghĩa Ô, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc tới thủ đô cổ Tây An và các tuyến tàu cao tốc phía Bắc với tỉnh Tân Cương.

Sở dĩ việc kết nối tới Tây An có ý nghĩa đặc biệt vì đây từng là thủ đô Trung Quốc dưới thời Tần (giai đoạn 618-907). Quyết định đưa tàu tới Tây Ban Nha của Chủ tịch Tập đánh dấu sự trỗi dậy của “Con đường Tơ lụa Y tế”, đồng nghĩa, ông kỳ vọng Trung Quốc thời hiện đại này có thể đạt được sự thịnh vượng như đã từng thấy trong triều đại thịnh vượng nhất của Trung Quốc.

Tổng thống kế cận của Mỹ nên làm gì?

Các tác giả cho rằng, để tái khẳng định sức mạnh lãnh đạo toàn cầu đã làm nên thương hiệu của Mỹ, Nhà Trắng nên dừng những phát ngôn và chính sách làm gia tăng chia rẽ giữa các đảng phái chính trị, ảnh hưởng tới sự ổn định và thống nhất nội bộ của Mỹ.

Chính quyền ông Trump phải nỗ lực xóa bỏ những khác biệt chính trị nội tại trước khi kỳ vọng kiềm chế ảnh hưởng trên trường quốc tế của Trung Quốc. Bởi cựu Tổng thống Abraham Lincoln từng nói: “Một ngôi nhà bị chia rẽ thì bản thân nó đã không thể đứng vững”.

Trong tương lai không xa, Tổng thống kế cận dù là ông Trump hay cựu phó Tổng thống Joe Biden, đều cần phải tạo ra một chính sách nhất quán và chiến lược, phản ánh tầm nhìn nền tảng của Mỹ khi đối phó với Trung Quốc trên trường quốc tế cũng như chiều hướng ủng hộ ngày càng cao đối với Bắc Kinh trên khắp các khu vực Trung Á, châu Âu và châu Phi về Con đường Tơ lụa Y tế mà nước này đang thực hiện.

“Chính sách trợ cấp” của Bắc Kinh tiếp tục nối dài với chương trình cung cấp hơn 4 tỷ khẩu trang, 16 nghìn máy trợ thở, 38 triệu bộ quần áo bảo hộ và 3 triệu bộ thử virus, chưa kể đến hơn 2 tỉ USD trợ cấp của nước này rải khắp từ châu Âu sang châu Phi.
Với chính sách trợ cấp trên diện rộng này, rõ ràng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã nổi lên như lãnh đạo hàng đầu, sâu sắc về phản ứng nhân đạo trước đại dịch, xóa nhòa những động cơ quốc gia cốt lõi của họ và cả những ý kiến tiêu cực, đặc biệt từ phía Mỹ.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tong-thong-my-se-phai-lam-gi-de-khong-mat-ngoi-ba-chu-truoc-trung-quoc-d470754.html