Tổng thống Mỹ tuyên bố rút viện trợ, liệu Israel có chùn bước?
Tuyên bố rút viện trợ nếu Israel tiếp tục kế hoạch tấn công Rafah của Tổng thống Mỹ mới đây có thể làm thay đổi cục diện chiến sự tại Trung Đông nhưng chưa đủ để khiến Thủ tướng Netanyahu chùn bước.
Hôm 8/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên công khai cảnh báo Israel về việc Washington sẽ ngừng cung cấp vũ khí nếu như các lực lượng Israel tiến hành tấn công Rafah – thành phố tập trung hơn 1,2 triệu người tị nạn ở phía Nam Gaza. Chỉ một ngày sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cũng xác nhận dừng hỗ trợ an ninh cho Israel và xem xét khả năng thực hiện các chuyến hàng viện trợ khác dành cho Tel Aviv giữa lúc tình hình ở Rafah có nhiều biến động.
Đây không hẳn là một động thái chưa từng có, vì các chính quyền Mỹ trước đây cũng từng đe dọa sẽ từ chối hỗ trợ quân sự cho Israel. Nhưng quyết định ngừng viện trợ ngay lập tức lần này cho thấy một sự thay đổi đáng chú ý trong cách tiếp cận cuộc chiến của ông Biden.
Tuy nhiên, dù Mỹ hi vọng quyết định này sẽ gây áp lực chính trị lớn buộc Thủ tướng Netanyahu phải thay đổi kế hoạch, nhưng động thái mới nhất của Israel lại rẽ theo hướng ngược lại với mong muốn của Nhà Trắng.
Ông Biden gây sức ép buộc Israel từ bỏ Rafah
Theo hãng tin Axios, lô hàng bị tạm dừng chuyển giao cho Israel bao gồm 1.800 quả bom nặng 2.000 pound (khoảng 900 kg) và 1.700 quả bom 500 pound (khoảng 225 kg). Quyết định cuối cùng về việc phải làm gì với lô hàng này vẫn chưa được đưa ra, nhưng quyết định này của Tổng thống Biden có thể giảm thiểu khả năng thương vong nếu chiến sự tại Rafah vẫn tiếp tục.
Xuyên suốt thời gian giao tranh, Israel đã dựa chủ yếu vào kho vũ khí hạng nặng như bom mìn để tấn công mạng lưới đường hầm ngầm rộng lớn của Hamas. Những loại vũ khí tấn công tầm xa này luôn được trang bị hệ thống đẫn đường nhằm đảm bảo đánh trúng mục tiêu, nhưng không thể phòng ngừa sai số có thể xảy ra đối với dân thường. Bộ Ngoại giao Mỹ đang cân nhắc xem liệu có nên tiếp tục cung cấp thêm cho Israel những loại vũ khí này không, trong bối cảnh Israel chưa từ bỏ kế hoạch tấn công Rafah.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 8/5 với đài CNN, Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận rằng dân thường ở Gaza đã thiệt mạng bởi những quả bom nặng 2.000 pound do Mỹ cung cấp.
“Nếu họ (Israel) tiến vào Rafah, tôi sẽ không cung cấp vũ khí. Vũ khí được sử dụng để giết hại dân thường là sai trái”, ông Biden nói.
Theo ông Raphael Cohen, giám đốc Chương trình Chiến lược và Học thuyết tại Dự án AIR FORCE của Tập đoàn RAND Corporation, bằng cách giữ lại những quả bom 2.000 pound và 500 pound, Mỹ có thể buộc Israel tiến hành nhiều hoạt động cơ động trên bộ ở Rafah, thay vì các đợt không kích dữ dội có thể gây nguy hiểm tới dân thường và “quét sạch toàn thành phố”. Điều này có thể thay đổi tính chất của cuộc chiến.
Một cựu chuyên viên phân tích các vấn đề Trung Đông của Cộng đồng tình báo Mỹ, cho biết số lượng vũ khí trong kho dự trữ của Israel hiện chưa được công bố, nhưng nước này được cho là có đủ nguồn cung đạn dược để tiếp tục chiến sự ở Gaza mà không cần chuyến hàng chuyển vũ khí lần này của Mỹ. Tuy nhiên, "chiến sự có thể kéo dài và đạn dược có thể hết rất nhanh trong thời gian tới”, cựu chuyên viên nói.
Hiện nay, Hamas không phải là mối nguy duy nhất của Israel tại Trung Đông khi Tel Aviv đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột toàn diện với lực lượng Hezbollah tại Lebanon. Nếu Mỹ thực sự ngừng viện trợ quân sự như những gì Tổng thống Biden đã tuyên bố, không loại trừ khả năng Israel có thể “mắc cạn” trong tương lai.
Israel quyết định sẽ “đứng một mình”
Theo nhiều chuyên gia, với nguồn dự trữ vũ khí và đạn dược hiện tại, Israel có đủ khả năng để tiến vào Rafah. Tuy nhiên, Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc, ông Gilad Erdan lại cho rằng quyết định của Mỹ có thể khiến Israel gặp khó khăn trong việc đạt được các mục tiêu quân sự trong tương lai.
"Nếu Israel bị hạn chế tiến vào một khu vực quan trọng và trung tâm như Rafah, thì chúng tôi phải làm thế nào để đạt được mục tiêu giành lại Gaza của mình?", ông Erdan nói.
Israel cũng phải xem xét liệu chiến dịch tấn công Rafah có làm rạn nứt thêm quan hệ ngoại giao của nước này với công đồng quốc tế hiện nay hay không. Một bước đi như vậy có thể phá vỡ khả năng đặt được thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin trong tương lai. Hiện tại, Hamas vẫn khẳng định điều kiện tiên quyết để khôi phục đàm phán về xung đột ở Gaza là Israel phải dừng tấn công Rafah, trong khi phía Israel bác bỏ.
Cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Israel sẽ thay đổi kế hoạch của mình. Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant tuyên bố hôm 7/5 cảnh báo nước này sẽ "tăng cường" tấn công quân sự tại thành phố Rafah (ở phía Nam Gaza), nếu thỏa thuận trao trả các con tin Israel không đạt được tiến bộ.
"Israel không thể bị khuất phục. Chúng tôi sẽ đứng vững, chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu của mình, chúng tôi sẽ tấn công Hamas, chúng tôi sẽ tấn công Hezbollah và chúng tôi sẽ có được an ninh", ông Gallant nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.
Bất chấp sự phản đối của quốc tế và cả các đồng minh như Mỹ, Israel vẫn đưa xe tăng đến và thực hiện "các cuộc tấn công có chủ đích" ở phía đông Rafah. Tel Aviv khẳng định đây là nơi đóng quân của các tiểu đoàn Hamas cuối cùng.
"Xe tăng và máy bay phản lực đang tấn công. Mỗi phút lại nghe thấy tiếng tên lửa và không biết nó sẽ đánh xuống đâu", một phóng viên AFP tường thuật tại hiện trường trong cuộc tấn công hôm 9/5 của Israel.
Nhưng nếu bất kỳ cuộc tấn công quy mô lớn nào vào Rafah gây ra thảm họa nhân đạo, Israel sẽ phải tự “chịu đòn” sau khi phớt lờ những cảnh báo trước đó từ chính quyền ông Biden. Quyết định thu hồi vũ khí Mỹ cũng có thể mở ra khả năng Nhà Trắng sẽ tạm dừng các hỗ trợ khác nhằm hạn chế thương vong cho dân thường tại Gaza.
Hiện tại, vẫn còn phải xem cách thức Israel tiến hành chiến dịch quân sự ở Rafah, nhưng Israel đã tuyên bố sẽ không “chùn bước” kể cả khi không còn Mỹ sát cánh bên cạnh.
“Nếu chúng tôi cần đứng một mình, chúng tôi sẽ đứng một mình. Nếu không còn vũ khí, chúng tôi sẽ chiến đấu với hai bàn tay trắng”, ông Netanyahu tuyên bố hôm 9/5.