Tổng thống Mỹ và toan tính lập liên minh kiềm chế Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có kế hoạch mời Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nga tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7 sắp tới. Động thái được nhiều nhà quan sát cho rằng ông đang cố gắng xây dựng một khối liên minh nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc.
Người đứng đầu Nhà Trắng hiện vẫn chưa tiết lộ liệu ông có muốn biến G7 thành G11 vĩnh viễn hay không, song ông khẳng định hôm 30/5 rằng, ông muốn mời 4 nước trên tham dự Thượng đỉnh G7 và “chê” nhóm này nay đã “rất lỗi thời”.
Người phát ngôn Nhà Trắng Alyssa Farah cho biết, Tổng thống Donald Trump muốn Hội nghị Thượng đỉnh này sẽ thảo luận về Trung Quốc, đồng thời thông báo về sự leo thang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đối với những vấn đề như cách xử lý COVID-19 và Hong Kong.
Cả Hàn Quốc và Australia đều là những đồng minh lâu dài của Mỹ. Thậm chí, Australia còn ủng hộ lời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc dịch COVID-19, cũng như thể hiện sự quan ngại về Luật An ninh Hong Kong mà Quốc hội Trung Quốc đã thông qua.
Ấn Độ, quốc gia nằm trong trung tâm chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, cũng có một loạt bất đồng với Trung Quốc, trong đó có những căng thẳng về biên giới hiện nay tại Ladakh. Tuy nhiên, Nga lại là quốc gia đang xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và quan hệ về kinh tế với Trung Quốc. Đây cũng là quốc gia đã bị loại khỏi G8 vào thời điểm Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Dù vậy, ông Trump đã một vài lần đề xuất quốc gia này nên quay lại G7 do tầm quan trọng chiến lược toàn cầu của Moscow.
Giới chuyên gia nhận định rằng, Tổng thống Mỹ đang cố gắng huy động sự ủng hộ từ các đồng minh của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc Ni Feng đánh giá: “Ý định của ông Trump rất đơn giản: cô lập Trung Quốc. Đây chỉ là khởi đầu và nhiều biện pháp kiềm chế hơn sẽ được đưa ra”.
Chia sẻ quan điểm này, học giả cấp cao tại Viện Hudson, ông John Lee cho rằng, Mỹ “có lẽ đang tìm cách thúc đẩy một chính sách nhằm đặt trách nhiệm lên vai Trung Quốc khi nước này thất bại trong kiểm soát COVID-19 và để đại dịch này lan rộng”. Sự xuất hiện của nhóm mới này sẽ khiến Trung Quốc lo ngại khi bị “loại ra khỏi các tổ chức đang hình thành”, ông Lee - người hiện cũng là một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney cho biết.
Trung Quốc đã tìm cách tăng cường ảnh hưởng trong những thể chế và tổ chức đa phương trong 1 thập niên qua, vốn đi cùng với sự nổi lên về quyền lực kinh tế và là mối lo ngại ngày càng gia tăng với Mỹ. Chẳng hạn, Tổng thống Donald Trump đã dẫn ra việc Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi ông tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt quan hệ với tổ chức này. Ý tưởng mở rộng G7 (gồm các nước Mỹ, Italy, Đức, Pháp, Anh, Nhật Bản và Canada) là nỗ lực mới đây nhất của ông Donald Trump nhằm thiết lập một liên minh quốc tế không có Trung Quốc.
Giáo sư Shahar Hameiri tại Trường Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Queensland cho biết cần phải “thẳng thắn đánh giá” rằng, kế hoạch của Tổng thống Donald Trump nhằm mở rộng G7 có liên quan tới sự đối đầu ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Có lẽ chúng ta đang ở thời điểm mà sự tách rời giữa 2 nước lớn là Mỹ và Trung Quốc diễn ra. Việc này thể hiện ở những nỗ lực gia tăng nhằm phát triển thêm các nền tảng hoặc tổ chức ra chính sách quốc tế loại trừ sự tham gia của Trung Quốc”, chuyên gia Shahar Hameiri cho biết.
Trong khi đó, ông Wang Wen, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang tại Đại học Renmin, Bắc Kinh nhận định, Mỹ sẽ không thể “hình thành một chiến tuyến chiến tranh lạnh toàn cầu chống lại Trung Quốc”. “Các quốc gia khác đều không muốn chọn giữa Mỹ và Trung Quốc”, chuyên gia Wang Wen nhận định, đồng thời cho rằng, việc hoãn tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7 đã phản ánh điểm yếu của Mỹ giữa bối cảnh nước này vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn dịch COVID-19.
Chuyên gia Shahar Hameiri cũng cho rằng, hiện vẫn chưa rõ liệu có bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào trong G7 không diễn ra hay không. Các quốc gia trong G7 cũng như các nước liên quan đến kế hoạch mới của Tổng thống Trump đều có quan hệ làm ăn và lợi ích thương mại với Trung Quốc. Do đó, để đạt được sự nhất trí chung trong nỗ lực kiềm chế và cô lập Trung Quốc sẽ không phải điều dễ dàng.
Chẳng hạn, bất chấp những căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc và Australia liên quan đến cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất và là nhà xuất khẩu lớn nhất của Australia. James Laurenceson, Giám đốc Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney nhận định, các quan chức Australia rất thận trọng với đề xuất của Tổng thống Mỹ.
“Đây rõ ràng là nỗ lực huy động một nhóm chống Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump, đối tác thương mại lớn nhất của Australia, và đưa Nga vào quá trình này, quốc gia mà Australia đã công khai chỉ trích trước đó. Tôi không nghĩ là mình sẽ đồng ý với kế hoạch này”, chuyên gia Laurenceson nhận định.