Tổng thống Nga - Mỹ điện đàm về vấn đề Ukraine trước thềm Năm mới
Rạng sáng 31/12 (theo giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm thảo luận về mối quan hệ đang căng thẳng giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine và chiến lược mở rộng sang phía Đông của NATO.
Theo AFP, cuộc điện đàm được thực hiện theo đề nghị của người đứng đầu Điện Kremlin, kéo dài 50 phút, đã mở ra cánh cửa cho một giải pháp ngoại giao trong các cuộc đàm phán trực tiếp dự kiến diễn ra vào tháng tới.
Đây là lần thứ hai 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Nga nói chuyện với nhau trong vòng ba tuần. Trước cuộc điện đàm lần này, cả hai phía đều khẳng định tâm thế sẵn sàng lắng nghe. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định những gì lãnh đạo hai nước đã thể hiện qua cuộc điện đàm vừa rồi cho thấy các cuộc đàm phán trực tiếp cấp thấp hơn diễn ra tại Vienna (Áo) sắp tới sẽ vẫn khó khăn, do có rất ít dấu hiệu nhượng bộ giữa hai bên.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tại cuộc gặp ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 16/6/2021.
Trong khi ngay trước đó, trong điện mừng Giáng sinh và Năm mới gửi tới Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ tin tưởng vào triển vọng đối thoại hiệu quả giữa hai nước.
Thông tin trên được Điện Kremlin công bố ngày 30/12, trước thềm cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ, trong nỗ lực nhằm giảm bớt căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine.
Điện Kremlin cho biết trong điện mừng, Tổng thống Putin nêu rõ Nga và Mỹ cùng gánh vác trách nhiệm cụ thể về an ninh khu vực và quốc tế nên hai nước có thể và cần tương tác một cách xây dựng, cùng nỗ lực chống lại nhiều thách thức và mối đe dọa mà nhân loại phải đối mặt. Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng, hai nước sẽ có thể tiến xa hơn và tổ chức đối thoại hiệu quả dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và tôn trọng lợi ích của nhau.
Về phía Mỹ, Tổng thống Biden bước vào cuộc điện đàm với ngỏ ý sẵn sàng đề xuất với người đồng cấp Nga một "con đường ngoại giao" để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, song Washington cũng chuẩn bị đáp lại nếu như vấn đề Ukraine không được giải quyết.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova xác nhận cuộc họp Hội đồng Nga-NATO sẽ diễn ra vào ngày 12/1/2022 và sau đó là cuộc tham vấn giữa Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) vào ngày 13/1/2022.
Phát biểu tại họp báo, bà Zakharova nêu rõ việc thảo luận về dự thảo văn kiện pháp lý quốc tế về đảm bảo an ninh do Nga đề xuất sẽ diễn ra trong khuôn khổ đối thoại cấp cao Nga-Mỹ tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 10/1/2022, và sau đó tại cuộc họp Hội đồng Nga-NATO ở Brussels (Bỉ) và cuộc họp của Hội đồng thường trực OSCE tại Vienna (Áo).
Theo bà Zakharova, đối thoại cấp cao Nga-Mỹ sẽ được tổ chức theo thể thức phái đoàn liên bộ. Phái đoàn Nga sẽ do Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov dẫn đầu, trong khi phái đoàn Mỹ do Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman dẫn đầu.
Vài giờ trước cuộc điện đàm, truyền thông cho biết, nhà lãnh đạo Nga đã bày tỏ tin tưởng rằng Moscow và Washington có thể tiến về phía trước và tạo lập cuộc đối thoại Nga - Mỹ hiệu quả trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và có tính đến lợi ích quốc gia của mỗi bên.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, Tổng thống Putin rất rẵn sàng nói chuyện và cho rằng chỉ có thông qua đối thoại mới có thể giải quyết được tất cả những vấn đề đang tồn tại giữa hai nước.
Dự kiến trong cuộc đàm phán vào tháng 1 tới, phái đoàn Nga sẽ ngồi riêng rẽ với các nhà thương lượng đại diện Mỹ, NATO và Diễn đàn an ninh OSCE bao gồm cả Mỹ. Dẫn đầu phái đoàn Nga là Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov trong khi phía Mỹ là Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman.