Tổng thống Nga Putin công bố vaccine COVID-19 đầu tiên của thế giới

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Tass

Ngày 11/8 (chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam), Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Hãng thông tấn Tass và các phương tiện truyền thông nhà nước Nga đưa tin, ngày 11/8, Tổng thống nước này Vladimir Putin tuyên bố Bộ Y tế Nga đã chính thức cấp phép cho loại vaccine đầu tiên trên thế giới để phòng dịch bệnh COVID-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra. Qua đó, Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới trình làng một loại vaccine phòng bệnh COVID-19.

Theo nguồn tin trên, đây là loại vaccine do Viện Gamaleya ở Moskva nghiên cứu phát triển cùng với Bộ Quốc phòng Nga. Tổng thống Putin tuyên bố vaccine này đã nhận được giấy phép của Bộ Y tế Nga. Nhà lãnh đạo Nga đồng thời cho biết con gái ông đã trở thành một trong những người đầu tiên tiêm vaccine này. Tổng thống Putin cho biết thêm ông hy vọng sẽ sớm tiến hành tiêm phòng COVID-19 toàn dân.

Hãng tin Interfax cho biết các thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành từ ngày 18/6 và tất cả 38 tình nguyện viên đều đã xuất hiện miễn dịch, dấu hiệu cho thấy vaccine hoạt động hiệu quả. Nhóm tình nguyện đầu tiên cũng đã xuất viện ngày 15/7 và nhóm thứ hai vào ngày 20/7.

Phát biểu tại một cuộc họp chính phủ cùng ngày, Tổng thống Putin yêu cầu Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko thường xuyên báo cáo thông tin liên quan tới loại vaccine này. Nhà lãnh đạo Nga biểu dương tất cả những người đã nỗ lực làm việc trong suốt quá trình nghiên cứu loại vaccine COVID-19 đầu tiên trên toàn cầu này. Ông đánh giá “đó là một bước tiến vô cùng quan trọng đối với thế giới”.

Phát biểu trước báo giới, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova nói rằng vaccine mới này sẽ được tiêm cho các nhân viên y tế từ tháng 9 tới và việc tiêm đại trà cho người dân có thể sẽ bắt đầu từ tháng 1/2021.

Trong khi đó, tập đoàn Sistema tuyên bố Nhà máy Binnopharm của tập đoàn này có thể sản xuất được 1,5 triệu liều vaccine COVID-19/năm và tập đoàn sẽ không gặp nhiều trở ngại trong việc sản xuất vaccine qui mô lớn. Bộ Y tế Nga cho hay loại vaccine COVID-19 này sẽ được tiêm làm 2 đợt và có hiệu quả lâu dài.

Trong diễn biến liên quan, Sputnik đưa tin Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), ông Kirill Dmitriev cho biết quỹ này sẵn sàng tiến hành thử nghiệm lâm sàng vắcxin phòng virus SARS-CoV-2 do Nga sản xuất ở Philippines trong tháng 8. Ông Dmitriev nhấn mạnh: "Philippines là một trong những đối tác quan trọng của Nga về vắcxin phòng COVID-19, RDIF đã sẵn sàng tiến hành các thử nghiệm lâm sàng tại Philippines trong tháng 8”.

Kênh truyền hình CNN Philippines đưa tin, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông hy vọng sẽ nhận được vắcxin COVID-19 miễn phí của Nga. Ngoài ra, ông Duterte cũng nói rằng ông có ý định thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về số liều vắcxin mà Nga sẽ cấp cho Philippines, cũng như cách thức tiến hành các thử nghiệm lâm sàng.

Theo báo Inquirer của Philippines, Tổng thống Philippines tỏ ý sẵn sàng là người đầu tiên thử nghiệm vắcxin của Nga để chống lại COVID-19.

Trong diễn biến khác, Công ty Công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc ngày 11/8 khởi động quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đối với vaccine CoronaVac, trước đây có tên là PiCoVacc, đối với 1.620 bệnh nhân COVID-19 ở Indonesia.

CoronaVac là một trong số ít các vaccine tiềm năng đã bước sang giai đoạn thử nghiêm lâm sàng cuối cùng nhằm nghiên cứu hiệu quả trên diện rộng trước khi được cơ quản quản lý cấp phép sử dụng.

Cuộc thử nghiệm tại Indonesia được tiến hành khi quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này đang phải đối mặt với số ca nhiễm ra tăng, có tới 127.000 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 11/8. Cuộc thử nghiệm sẽ kéo dài 6 tháng.

Lễ khởi động thử nghiệm giai đoạn cuối đã được tiến hành ở Bandung, Tây Java. Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Joko Widodo khẳng định: "Mối đe dọa của dịch bệnh sẽ không thể giảm cho đến khi mọi người đều được tiêm phòng vaccine".

Hiện CoronaVac cũng đang được thử nghiệm giai đoạn cuối ở Brazil với 9.000 người. Sinovac hy vọng sẽ thử nghiệm vaccine của mình tại Bangladesh. Sinovac phải thử nghiệm vaccine ở nước ngoài vì số ca nhiễm mới tại Trung Quốc hiện rất thấp.

Trước đó, chiều 10/8, Sinovac thông báo giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 2 được tiến hành với 600 người ở Trung Quốc, vaccine không gây tác dụng phụ nghiêm trọng nào và tỉ lệ người tiêm phòng bị sốt tương đối thấp so với các "ứng cử viên" vaccine khác.

Trong một diễn biến khác, hãng dược phẩm Daewoong của Hàn Quốc cùng ngày cho biết đã được cơ quan quản lý của Ấn Độ cấp phép thử nghiệm thuốc tẩy giun để điều trị bệnh nhân COVID-19. Tổ chức Kiểm soát tiêu chuẩn dược phẩm (CDSCO) của Ấn Độ đã cho phép tiến hành cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 với khoảng 30 tình nguyện viên là người khỏe mạnh để kiểm tra độ an toàn của thuốc. Thử nghiệm sẽ được tiến hành trong tháng này.

Daewoong phối hợp với đối tác là công ty dược phẩm Mankind có trụ sở tại New Delhi thực hiện cuộc thử nghiệm thuốc trên. Dự kiến, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai và ba cũng sẽ được tiến hành ở Ấn Độ ở các bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và nặng.

Daewoong cho biết các kết quả thử nghiệm lâm sàng tại Ấn Độ sẽ được sử dụng để xin cấp phép xuất khẩu thuốc vào châu Âu hoặc Mỹ. Công ty cũng đang chờ Hàn Quốc phê chuẩn thử nghiệm giai đoạn một. Daewoong cho biết thêm rằng thuốc kháng virus của họ đã hoàn toàn loại bỏ được virus SARS-CoV-2 ở phổi của động vật trong giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/243327/tong-thong-nga-putin-cong-bo-vaccine-covid-19-dau-tien-cua-the-gioi.html