Tổng thống nước Cộng hòa Sierra Leone thăm Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 16/3, tại Hà Nội, Tổng thống nước Cộng hòa Sierra Leone Julius Maada Bio cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa Sierra Leone đã đến thăm Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS).
Phát biểu chào mừng, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn cho biết, VAAS là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập hạng đặc biệt, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; có chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn, dịch vụ, hợp tác quốc tế và đào tạo sau đại học về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Viện hiện có 20 giáo sư, phó giáo sư và hơn 2.500 nhân viên, cơ cấu tổ chức gồm 4 đơn vị chức năng và 19 viện/trung tâm trực thuộc; hiện đang hợp tác với 33 quốc gia và 66 tổ chức quốc tế trên thế giới.
Về định hướng nghiên cứu trong thời gian tới, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết một số nhiệm vụ trong tâm như trình diễn, thử nghiệm và chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ; bảo tồn và khai thác nguồn gen cây trồng và vi sinh vật trong lĩnh vực nông nghiệp; nghiên cứu kỹ thuật canh tác và các yếu tố môi trường nông nghiệp (đất, phân bón, bảo vệ thực vật); nghiên cứu chọn, tạo giống cây trồng mới; nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng (công nghệ sinh học, công nghệ tế bào).
Chia sẻ thành tựu nổi bật trong tạo giống cây trồng, ông Nguyễn Hồng Sơn nêu, giai đoạn 2005-2015, đơn vị đã chọn tạo được 620 giống cây trồng mới; giai đoạn 2016-2020 chọn tạo được 296 giống cây trồng mới (50 giống được công nhận chính thức đưa vào sản xuất đại trà; 166 giống được công nhận cho sản xuất thử). Điển hình, với cây lúa, diện tích gieo trồng giống của VAAS chiếm 59% diện tích lúa cả nước; 77% diện tích lúa Đồng bằng sông Cửu Long. 5/10 giống của VAAS có diện tích trồng lớn nhất Việt Nam; 8/10 giống có diện tích trồng lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Năng suất tăng 10%; sản lượng tăng 2,4 triệu tấn; giá trị kinh tế tăng 15.795 tỷ đồng.
Giới thiệu khái quát ngành Nông nghiệp Việt Nam, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh nhấn mạnh một số lĩnh vực triển vọng hợp tác giữa Sierra Leone và Việt Nam trong thời gian tới gồm: Trao đổi nguồn gen giống cây trồng, chọn tạo giống cây trồng, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, vi sinh vật, bảo vệ thực vật, chuỗi giá trị nông sản, chuyển giao công nghệ và khuyến nông…
Bày tỏ ấn tượng với những kết quả VAAS đạt được kể từ khi thành lập đến nay, Tổng thống Julius Maada Bio nhấn mạnh, Sierra Leone ngưỡng mộ các thành tựu to lớn của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Trên cơ sở quan hệ tốt đẹp giữa hai nước cũng như tiềm năng có thể nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, Sierra Leone mong muốn được Việt Nam hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Tổng thống Julius Maada Bio cho biết, do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng có sự tương đồng, Việt Nam và Sierra Leone khẳng định đưa nông nghiệp trở thành trụ cột trong hợp tác song phương; học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy hợp tác nông nghiệp trong khuôn khổ song phương cũng như hợp tác 3 bên giữa hai nước và sự tham gia của các tổ chức phát triển quốc tế, các quốc gia công nghiệp phát triển và đầu tư từ khu vực tư nhân.
Dịp này, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Sierra Leone và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực trồng trọt.
Tiếp tục chương trình thăm chính thức Việt Nam, theo lịch trình, ngày 16/3, Tổng thống Julius Maada Bio sẽ hội kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Dự kiến, ngày 17-19/3, Tổng thống Julius Maada Bio sẽ có một số hoạt động khác tại Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống nước Cộng hòa Sierra Leone Julius Maada Bio và Phu nhân là hoạt động trao đổi đoàn cấp nguyên thủ đầu tiên của hai quốc gia; đồng thời là bước phát triển tích cực và tốt đẹp giữa hai nước trong bối cảnh các nước châu Phi, trong đó có Sierra Leone coi trọng thiết lập, phát triển quan hệ hợp tác với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.