Tổng thống Pháp chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng
Ngày 16/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Gabriel Attal và chính phủ. Trong khi đó, phe cánh tả vẫn chưa chọn được ứng cử viên để ra ứng cử vị trí thủ tướng.
Trước đó, ngày 7/7, ngay sau khi kết quả bầu cử vòng 2 cho Quốc hội mới, ông Gabriel Attal, đã thông báo từ chức. Lý do chính là vì liên minh cầm quyền về sau liên minh cánh tả. Dù vậy, Tổng thống Emmanuel Macron đã yêu cầu ông giữ chức để "bảo đảm sự ổn định của đất nước".
Tuy nhiên do tình hình chính trường Pháp diễn biến ngày càng phức tạp, trong phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng ngày 16/7, Tổng thống Pháp đã thông báo về việc chấp nhận đơn từ chức của ông Gabriel Attal, nhậm chức từ ngày 9/1/2024 và là thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Nền Cộng hòa V của Pháp.
Trong khi đó, với mục tiêu có đại diện làm thủ tướng, phe cánh tả, có số lượng nghị sĩ nhiều nhất tại Quốc hội mới, vẫn loay hoay lựa chọn ứng cử viên có thể được các đảng phái chấp nhận.
Dù có sự thống nhất về việc lựa chọn một ứng cử viên duy nhất, các đảng thuộc liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) gồm đảng Xã hội, đảng Cộng sản, đảng Xanh và đảng Nước Pháp bất khuất đều muốn có người của mình ra ứng cử.
Điều này cho thấy 4 đảng trong liên minh cánh tả có cùng mục tiêu "đóng vai trò có trọng lượng" trong một chính phủ chung. Vì không có đảng nào thực sự chiếm ưu thế so những đảng còn lại, việc đàm phán để có ứng cử viên chung còn khó khăn.
Tối 15/7, đảng Xã hội, đảng Xanh và đảng Cộng sản, đã đề cử chuyên gia về khí hậu Laurence Tubiana, 73 tuổi, ‘‘đồng kiến trúc sư’’ của Hiệp định Khí hậu Paris 2015, làm ứng cử viên thủ tướng. Tuy nhiên, đảng Nước Pháp Bất khuất bác bỏ ngay đề xuất này.
Tới tối 16/7, đại diện đảng Cộng sản Pháp đưa ra giải pháp cuối cùng, đó là "bỏ phiếu" trong liên minh cánh tả để chọn một ứng viên. Tình hình này cho thấy, kể cả khi có đại diện chung ra ứng cử, rồi được thông qua, sự liên kết lâu dài của phe cánh tả còn là một vấn đề lớn.
Các cuộc đàm phán tìm giải pháp thỏa đáng về một chính phủ mới diễn ra suốt tuần qua vẫn chưa đi đến hồi kết. Ngày 10/7, trong bức thư ngỏ gửi tới người dân Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã khẳng định, phe cánh tả giành được đa số phiếu bầu, tuy nhiên “không có phe nào” thực sự chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua.
Ngay sau đó, đại diện các đảng phái của phe cánh tả đã chỉ trích Tổng thống không thừa nhận thất bại và cho biết sẽ tiến hành các bước đi quyết liệt để vận động các đảng phái khác nhằm có đa số tuyệt đối và dễ dàng thông qua ứng cử viên cánh tả làm thủ tướng mới.
Tình hình hiện nay cho thấy chính trường Pháp thực sự phức tạp vì 3 phe đứng đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, gồm liên minh cầm quyền, liên minh cánh tả và liên minh cực hữu, đều khó chấp nhận phe đối lập có đại diện làm thủ tướng. Trong khi liên minh cánh tả loay hoay mặc cả về ứng cử viên thì Tổng thống Emmanuel Macron không dễ tìm được "một liên minh vừa ý".
Từ năm 2022, khi liên minh cầm quyền không có đa số quá bán tại Quốc hội, cơ cấu của Quốc hội cũng như Chính phủ luôn trong tình trạng hoạt động căng thẳng do sự đối đầu của các phe phái. Nếu các phe phái vẫn không gạt qua bất đồng và chấp nhận giải pháp "có tính xây dựng để ổn định tình hình", chính trường Pháp tiếp tục bế tắc và có thể vào tình trạng hỗn loạn trong nhiều tháng tới.
Ngày 18/7, Quốc hội mới của Pháp sẽ họp phiên đầu tiên. Nhiệm vụ quan trọng nhất là bầu Chủ tịch, chắc chắn sẽ rất khó khăn. Lý do là vì không có liên minh nào giành được đa số tuyệt đối, chưa vượt qua những khác biệt về quan điểm để sớm thành lập một chính phủ liên minh.
Việc duy trì "một chính phủ kỹ thuật" chỉ để điều hành các bộ, khó có thể kéo dài vì không thể đề ra những dự luật mới. Còn lập một chính phủ giữa đảng cầm quyền với nhiều đảng phái khác cũng có thể dẫn tới nguy cơ đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc tiến tới từ lực lượng thứ ba thành lực lượng đối lập chính.
Tại Pháp, Điều 8.1 của Hiến pháp trao cho tổng thống toàn quyền chỉ định một nhân vật vào chức thủ tướng. Hiến pháp cũng không ghi rõ là trong thời hạn bao lâu tổng thống phải bổ nhiệm tân thủ tướng. Tuy nhiên về mặt chính trị, tổng thống phải tiến hành việc này tùy theo cơ cấu của Quốc hội mới, tức là khó có thể chỉ định một nhân vật thuộc phe của mình sau thất bại bầu cử.
Chính trường Pháp đang ở trong tình trạng "tiến thoái lưỡng nan". Sự thay đổi tích cực sẽ phụ thuộc vào việc sắp xếp các lực lượng chính trị tại Hạ viện.