Tổng thống Pháp: 'EU cần đối thoại riêng với Nga về an ninh'
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 19/1 tuyên bố, Liên minh châu Âu không thể trông chờ vào các đối thoại giữa Mỹ và Nga mà cần nhanh chóng xác lập vị thế cho mình để tiến hành đối thoại riêng với Nga về vấn đề an ninh tại châu Âu.
Phát biểu trước các nghị sĩ châu Âu trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu tại Strasbourg trong ngày 20/1 nhằm trình bày về chính sách châu Âu của nước Pháp trong 6 tháng giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu – EU nửa đầu năm 2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh, châu Âu cần phải có tiếng nói của riêng mình trong cuộc khủng hoảng quan hệ giữa Nga và phương Tây hiện nay.
Theo ông Macron, Liên minh châu Âu không thể chỉ trông chờ vào các đối thoại giữa Mỹ và Nga và bản thân đối thoại song phương giữa hai cường quốc này cũng không đủ để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất mà châu Âu phải đối mặt kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Do đó, Tổng thống Pháp kêu gọi các nước Liên minh châu Âu cần nhanh chóng đoàn kết xây dựng một tiếng nói chung để tiến hành cuộc đối thoại của riêng Liên minh châu Âu với Nga.
“Cả châu Âu và Nga, vì an ninh chung không thể chia rẽ của châu lục, đều cần có cuộc đối thoại này. Các nước châu Âu cần phải cùng nhau xây dựng các đòi hỏi của riêng mình và đặt mình vào một vị thế để các đòi hỏi đó được tôn trọng. Đó phải là một đối thoại thẳng thắn, đòi hỏi cao để đối mặt với những hành động gây bất ổn, can dự hay chi phối dư luận”.
Nhận định về căng thẳng hiện nay trong quan hệ với Nga, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho rằng, vấn đề không chỉ xoay quanh biên giới Ukraine mà còn tác động đến cả các nguyên tắc nền tảng trong quan hệ giữa Nga với châu Âu được thiết lập từ hơn 3 thập kỷ trước, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, trong đó có việc từ chối thiết lập các khu vực ảnh hưởng của các cường quốc và nguyên tắc các nước được quyền độc lập lựa chọn chính sách đối ngoại và an ninh của mình.
Tuy nhiên, ông Macron luôn nhấn mạnh, đối thoại vẫn là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng cấu trúc an ninh tại châu Âu bởi Nga là đối tác không thể gạt bỏ tại châu Âu. Trong số các nước EU, Pháp luôn là nước chủ động nhất trong việc can dự đối thoại với Nga, bất kể sóng gió trong quan hệ giữa Nga và phương Tây nhiều năm qua.
Năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề ra sáng kiến khởi động lại quan hệ với Nga bằng cách thiết lập đối thoại 2+2 về quốc phòng và an ninh. Tuy nhiên, các đối thoại này đã bị ảnh hưởng nhiều trong 2 năm qua, sau các bất đồng giữa Nga và phương Tây liên quan đến vụ việc nhân vật đối lập Nga, Alexei Navalny.
Tổng thống Pháp cũng cho biết, hiện tại Pháp cùng Đức đang nỗ lực để tái lập các đối thoại với Nga thông qua định dạng “Bộ Tứ Normandy”, bao gồm Pháp-Đức-Nga và Ukraine, ra đời từ năm 2014 sau khi xảy ra khủng hoảng Ukraine. Trong những ngày qua, các quan chức ngoại giao hàng đầu của Pháp và Đức đã liên tiếp đẩy mạnh các nỗ lực thiết lập đối thoại trực tiếp với Nga, trong đó có chuyến thăm đến Nga của Ngoại trưởng Đức, Annalena Baerbock.
Giới quan sát đánh giá, Liên minh châu Âu đang tìm mọi cách can dự trực tiếp và tác động đến căng thẳng an ninh hiện nay với Nga và không chấp nhận bị Mỹ-Nga gạt ra bên lề các thảo luận về cấu trúc an ninh tại châu Âu. Các quan chức lãnh đạo hàng đầu EU luôn khẳng định, bất cứ động thái hay thỏa thuận nào liên quan đến an ninh của châu Âu đều cần có tiếng nói trực tiếp của châu Âu./.