Tổng thống Pháp Macron thỏa hiệp để giành chiến thắng lập pháp
Thỏa hiệp đặt Tổng thống Pháp vào một tình thế cực kỳ khó chịu: Giữa một cuộc nổi dậy nội bộ đang âm ỉ và một 'nụ hôn thần chết' từ đảng cực hữu của bà Marine Le Pen
Quốc hội Pháp vào cuối ngày 19/12 đã thông qua các cải cách về nhập cư do chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất, theo đó mang lại chiến thắng lập pháp cho người đứng đầu Điện Elysee. Tuy nhiên, nó cũng bộc lộ những rạn nứt trong chính phe trung dung của Tổng thống.
Vài giờ sau khi dự luật được Thượng viện Pháp thông qua, nó đã nhận được 349 phiếu ủng hộ và 186 phiếu chống trong phiên họp đêm khuya ở Hạ viện Pháp, nơi đảng theo đường lối trung dung của ông Macron và các đồng minh không chiếm đa số.
Trong một dấu hiệu bất đồng quan điểm hiếm hoi, 37 thành viên trong đảng của ông Macron đã bỏ phiếu chống lại dự luật hoặc bỏ phiếu trắng, bên cạnh 22 nhà lập pháp từ các đảng khác trong liên minh của ông.
Phe cực hữu, trong một động thái không kém phần hiếm hoi, đã lên tiếng hoan nghênh các đề xuất của chính phủ, với tất cả 88 nhà lập pháp của họ bỏ phiếu ủng hộ. Nhưng cuối cùng dự luật không cần đến sự hỗ trợ của phe cực hữu để thông qua.
Tình thế cực kỳ khó chịu
Dự luật này tạo ra giấy phép cư trú tạm thời có thời hạn 1 năm với một số điều kiện cho người lao động có tay nghề trong các lĩnh vực đang thiếu lao động, và hợp lý hóa quy trình tị nạn, nhưng nó cũng thắt chặt các quy định cho phép người nước ngoài làm việc, sinh sống hoặc học tập tại Pháp.
Nó khiến người nước ngoài chỉ đủ điều kiện nhận trợ cấp của nhà nước như hỗ trợ nhà ở hoặc trợ cấp gia đình sau khi họ đã sống ở Pháp được vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm; khiến người nhập cư gặp khó khăn hơn trong việc đưa các thành viên trong gia đình tới Pháp một cách hợp pháp; và buộc sinh viên nước ngoài phải trả phí cấp thị thực mới.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra 1 tuần sau khi Hạ viện Pháp bất ngờ bác bỏ phiên bản trước đó của dự luật, vốn bị phe cánh tả cho là quá khắc nghiệt còn phe cánh hữu và cực hữu cho là quá khoan dung.
Để phá vỡ thế bế tắc, Chính phủ Pháp đã “xoa dịu” các nhà lập pháp bảo thủ bằng các biện pháp cứng rắn hơn, khiến phe cánh tả và một số đồng minh của ông Macron tức giận và khiến đảng cực hữu nổi tiếng nhất của Pháp là National Rally (NR) vui mừng tuyên bố rằng họ đã giành chiến thắng trong cuộc chiến về ý thức hệ.
Những thỏa hiệp đạt được giữa đảng của ông Macron và phe đối lập bảo thủ không chỉ là ví dụ cho xu hướng chuyển dịch về phía cánh hữu trong nền chính trị ở nhiều nơi của châu Âu, mà còn đặt Tổng thống Pháp vào một tình thế cực kỳ khó chịu: Giữa một cuộc nổi dậy nội bộ đang âm ỉ và điều mà các phương tiện truyền thông Pháp gọi là “nụ hôn thần chết” từ Đảng NR cực hữu và lãnh đạo đảng này, bà Marine Le Pen.
Đảng NR có tư tưởng chống nhập cư từ lâu đã lập luận rằng công dân Pháp nên được hưởng ưu đãi hoặc thậm chí độc quyền tiếp cận các khoản trợ cấp và viện trợ của chính phủ, còn người nước ngoài lẽ ra phải bị hạn chế hoặc không được tiếp cận những lợi ích đó.
Phơi bày những rạn nứt
“Đa số đã đoàn kết”, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cho biết trên mạng xã hội X/Twitter ngay sau cuộc bỏ phiếu. “Tối nay, chỉ có lợi ích chung chiến thắng”.
Việc dự luật được thông qua là rất quan trọng đối với ông Macron, người không thể tái tranh cử vào năm 2027 sau khi đã nắm quyền 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu cũng đã làm rung chuyển chính phủ của ông và phơi bày những rạn nứt trong đảng của chính ông, với việc một số Bộ trưởng tuyên bố ý định từ chức nếu dự luật được thông qua.
Bộ trưởng Y tế Aurelien Rousseau, Bộ trưởng Giáo dục Đại học Sylvie Retailleau và Bộ trưởng Nhà ở Patrice Vergriete đã gặp Thủ tướng Borne và cảnh báo họ có thể từ chức, AFP dẫn các nguồn thạo tin cho biết.
Chính phủ Pháp lập luận rằng các quy định nhập cư cứng rắn hơn là cần thiết để kiểm soát vấn đề này khỏi tác động của phe cực hữu, đồng thời giữ an toàn cho người Pháp, chẳng hạn như bằng cách tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc trục xuất những người nước ngoài bị kết án tội phạm, đồng thời chỉ ra các biện pháp trong dự luật mà phe cực hữu bác bỏ, chẳng hạn như lệnh cấm giam giữ trẻ vị thành niên tại các trung tâm dành cho người nhập cư bất hợp pháp.
Không giống như cuộc cải cách hưu trí hồi đầu năm của ông Macron, vốn nâng tuổi nghỉ hưu hợp pháp lên 64 từ 62 và không được lòng dân từ đầu đến cuối, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy khoảng 60-80% người Pháp ủng hộ các quy định nhập cư chặt chẽ hơn tương tự như các quy định trong dự luật của Tổng thống.
Số người nhập cư ở Pháp ước tính khoảng 5,1 triệu người, tương đương 7,6% dân số. Các nhà chức trách cho rằng hiện đang có khoảng 600.000-700.000 người nhập cư không có giấy tờ ở quốc gia Tây Âu này.
Minh Đức (Theo NY Times, National News)