Tổng thống Philippines tái khẳng định cam kết duy trì cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ
Tổng thống Philippines đã thu hồi thư chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA). Trong ngày đón và hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, ông Rodrigo Duterte đã tham dự buổi lễ khánh thành dự án hạ tầng hàng đầu được thực hiện bằng vốn đầu tư của Trung Quốc.
Vào ngày 29 tháng 7, Tổng thống Philippines đã quyết định thu hồi thư chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA) - một hiệp ước quốc phòng quan trọng với Hoa Kỳ. Ông duy trì các điều kiện pháp lý cho sự hiện diện tạm thời của quân đội Mỹ tại Philippines tồn tại từ năm 1998, trên cơ sở đó hai bên tiến hành các cuộc tập trận chung trên bộ, trên không và trên biển.
Ông Rodrigo Duterte đã thông báo cho chính phủ Mỹ về ý định hủy bỏ thỏa thuận này vào tháng 2/2020. Và ông đã rút lại quyết định này tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ở Manila. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã thông báo về điều đó vào thứ Sáu, ngày 30 tháng Bảy. Ông đã tổ chức cuộc họp chung với người đồng cấp Hoa Kỳ.
"Không có đề nghị chấm dứt VFA nào đang chờ xử lý và chúng tôi đã quay lại đúng hướng", - Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói với các nhà báo.
Niềm tin vào tương lai
Người đứng đầu Lầu Năm Góc hoan nghênh quyết định của Tổng thống Duterte, theo ông, quyết định này sẽ giúp tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai đồng minh lâu năm. Ông Lloyd Austin lưu ý rằng, điều này mang lại niềm tin vào tương lai, Hoa Kỳ có thể lên kế hoạch dài hạn và thực hiện nhiều kiểu hoạt động huấn luyện.
Một số thỏa thuận quốc phòng khác giữa Philippines và Hoa Kỳ phụ thuộc vào Thỏa thuận các lực lượng viếng thăm (VFA). Đối với Mỹ, thỏa thuận VFA là rất quan trọng về mặt chiến lược bởi vì văn bản này tạo khuôn khổ pháp lý cho việc luân chuyển hàng ngàn lính Mỹ đến Philippines, và Hoa Kỳ coi sự hiện diện quân sự trong khu vực như một đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, - Artem Garin, chuyên gia Trung tâm Đông Nam Á, Úc và Châu Đại Dương tại Viện Nghiên cứu Phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
Trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, điều quan trọng đối với Hoa Kỳ là duy trì thỏa thuận này, chuyên gia lưu ý:
"Mỹ và Trung Quốc đại lục gay gắt chỉ trích chính sách lẫn nhau trong vấn đề Đài Loan. Philippines khá gần đảo Đài Loan. Nếu Hoa Kỳ đánh mất đòn bẩy Đài Loan để gây sức ép quân sự với Bắc Kinh trong ngắn hạn và dài hạn thì điều đó có nghĩa là họ sẽ thất bại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ muốn tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác trong khu vực, bao gồm cả Philippines, chỉ để duy trì và củng cố khả năng đối đầu với Trung Quốc".
Quân đội có vị trí rất mạnh ở Philippines
Hầu như tất cả các tướng lĩnh chóp bu của lực lượng vũ trang Philippines đã được đào tạo và huấn luyện tại Hoa Kỳ. Quân đội Philippines tập trung vào việc phát triển các mối quan hệ với Mỹ, đây là một trong những điều kiện quan trọng nhất để củng cố quyền lực và ảnh hưởng của quân đội trong xã hội Philippines.
Do đó, quyết định của ông Rodrigo Duterte là một thỏa hiệp với giới tinh hoa quân đội trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2022, chuyên gia Artem Garin cho biết:
"Các sự kiện ở Myanmar cho thấy rằng, ở Đông Nam Á vận động hành lang cho quân đội đóng vai trò rất quan trọng. Nếu những người vận động hành lang có nguồn lực và ảnh hưởng mạnh mẽ, thì tất nhiên, các nhà chức trách nên duy trì sự cân bằng lợi ích với quân đội. Đặc biệt nếu chính trị gia nắm quyền trong một thời gian dài, ông ta cần phải duy trì cân bằng trong vấn đề này".
Theo hiến pháp của Philippines, một người đắc cử tổng thống thì sau khi kết thúc nhiệm kỳ (6 năm) sẽ không được tái cử. Tức là, Tổng thống Rodrigo Duterte không thể tái đắc cử vào năm 2022. Nhưng hầu hết các nhà quan sát đều chỉ ra rằng, con gái của ông, Sara Duterte là một ứng viên hàng đầu để kế nhiệm Rodrigo Duterte.
Các chuyên gia lưu ý đến thực tế là vào ngày ông Rodrigo Duterte hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông đã tham dự buổi lễ khánh thành dự án cây cầu nối Makati và Mandaluyong - hai thành phố lớn của vùng đô thị Manila. Cây cầu được xây dựng với sự hỗ trợ tài chính của Trung Quốc sẽ giảm ùn tắc trên các đường cao tốc chính ở Greater Manila và sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế của khu vực đô thị.
Không phải ngẫu nhiên mà sự kiện này trong quan hệ Trung - Philippines trùng hợp với cuộc hội đàm giữa Tổng thống Philippines và vị khách Mỹ, - chuyên gia Artem Garin nói:
"Trong hoạt động chính trị, đặc biệt khi một sự kiện được lên kế hoạch với sự tham gia của lãnh đạo đất nước, người ta luôn tính đến những biểu tượng nhất định. Với bước đi này Philippines muốn chứng tỏ rằng, họ đang duy trì cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Hoa Kỳ ép các đối tác trong khu vực thực hiện sự lựa chọn - đứng về phía Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc. Vectơ này đã được theo đuổi rất tích cực dưới thời Trump. Dưới thời Biden, chính sách này vẫn được thực hiện dù không quá công khai. Tất nhiên, các nước Đông Nam Á muốn có chính sách riêng, thái độ riêng đối với vấn đề này. Họ có lợi ích kinh tế của riêng mình, họ có đối tác kinh tế chính - Trung Quốc. Và trong điều kiện cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, không ai muốn bằng cách nào đó phá vỡ hoặc làm hỏng mối quan hệ với đối tác kinh tế. Do đó, rất có thể, bằng bước này, ông Duterte muốn chứng tỏ rằng, Philippines có lợi ích riêng nằm trong việc đảm bảo an ninh và phát triển kinh tế đất nước với sự hỗ trợ của Trung Quốc".
Phát biểu tại lễ khánh thành cây cầu, Tổng thống Philippines cảm ơn ban lãnh đạo Trung Quốc đã tài trợ kinh phí xây dựng. Ông gọi dự án này là minh chứng cho thiện chí của người dân và chính phủ Trung Quốc, giúp củng cố hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.