Tổng thống Philippines thăm Nhật Bản: Tối đa hóa tiềm năng
Hợp tác về thương mại và an ninh sẽ là điểm nhấn trong chuyến hành trình kéo dài 4 ngày của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tới Tokyo.
Ngày 8-12/2, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng nước chủ nhà Kishida Fumio trong cuộc gặp bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) vào tháng 9/2022.
Đây là chuyến công du nước ngoài thứ ba của ông Marcos Jr. trong năm 2023 và chuyến đi thứ 9 sau 7 tháng cầm quyền. Tuy nhiên, đây là lần đầu ông đến thăm Nhật Bản, đối tác đặc biệt quan trọng với đất nước Đông Nam Á, với tư cách Tổng thống.
Dự kiến, ngày 9/2, Tổng thống Marcos Jr. sẽ gặp song phương Thủ tướng Kishida và dự buổi chiêu đãi làm việc với quan chức hàng đầu hai nước. Nhà lãnh đạo Philippines và phu nhân sẽ yết kiến Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Michiko.
Phát biểu trước thềm chuyến thăm, Trợ lý Ngoại trưởng Philippines phụ trách các vấn đề châu Á và Thái Bình Dương Neal Imperial cho biết hai bên sẽ thảo luận về một loạt các vấn đề song phương và khu vực để tăng cường hơn nữa hợp tác trong thập kỷ thứ hai của quan hệ đối tác chiến lược.
Theo ông Neal Imperial, chuyến thăm “nhằm tối đa hóa tiềm năng trong quan hệ đối tác chiến lược Philippines-Nhật Bản trong tất cả các lĩnh vực và hướng tới xây dựng một mối quan hệ quốc phòng, an ninh, chính trị, kinh tế và giao lưu nhân dân gần gũi hơn”.
Chuyến thăm của Tổng thống Marcos Jr. “nhằm tối đa hóa tiềm năng trong quan hệ đối tác chiến lược Philippines-Nhật Bản trong tất cả các lĩnh vực, và hướng tới xây dựng một mối quan hệ quốc phòng, an ninh, chính trị, kinh tế và giao lưu nhân dân gần gũi hơn”.
Điểm nhấn thương mại
Trong các lĩnh vực nêu trên, hợp tác kinh tế là điểm nhấn then chốt. Nhật Bản là nước duy nhất có hiệp định thương mại tự do song phương với Philippines, với tên gọi Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản. Các hiệp định thương mại tự do khác của Manila đều được ký kết thông qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hoặc khối khu vực khác.
Nhật Bản cũng là nước cung cấp các khoản vay và viện trợ phát triển chính thức lớn nhất cho Philippines để thực hiện các chương trình quan trọng về cơ sở hạ tầng, mạng lưới an sinh xã hội, giáo dục, nông nghiệp và hỗ trợ khoa học và công nghệ. Mới đây, chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio đang cân nhắc viện trợ thêm 2 tỷ USD thường niên để hỗ trợ đất nước Đông Nam Á xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Quan trọng hơn, Tokyo là đối tác thương mại lớn thứ hai và thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Manila trong 225 nước.
Trong bối cảnh đó, hợp tác thương mại tiếp tục là thành tố quan trọng trong chuyến công du Tokyo sắp tới. Không phải ngẫu nhiên mà bên cạnh các quan chức cấp cao như cựu Tổng thống Gloria Arroyo, Chủ tịch Thượng viện Juan Zubiri, Chủ tịch Hạ viện Martin Romualdez, Ngoại trưởng Enrique Manalo, chuyến thăm của ông Marcos Jr. cũng có sự góp mặt của gần 150 đại diện các doanh nghiệp hàng đầu nước này.
Trong chuyến thăm, hai bên dự kiến sẽ ký kết 7 thỏa thuận song phương trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, quốc phòng, nông nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông. Bộ Ngoại giao Philippines hy vọng đây là cơ hội để các doanh nghiệp hàng đầu của hai nước thảo luận và ký kết nhiều thỏa thuận kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tổng thống Marcos Jr sẽ tham gia một số cuộc họp giữa doanh nghiệp hai nước trong ngày 9-10/2 và gặp gỡ hơn 1.000 người Philippines đang sống tại Tokyo hôm 12/2, trước khi rời Nhật Bản.
Ông cũng dự kiến tiếp xúc lãnh đạo của một số công ty vận tải và hiệp hội hàng hải Nhật Bản để thúc đẩy quan hệ đối tác với bên liên quan của Philippines trong các chương trình phúc lợi và giáo dục hàng hải Manila.
Quan tâm chung về an ninh
Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu chỉ đề cập hợp tác kinh tế trong quan hệ giữa Philippines và Nhật Bản. Manila và Tokyo là đối tác chiến lược có mối liên hệ chặt chẽ về lịch sử và chia sẻ nhiều giá trị cơ bản. Nhật Bản là nước đầu tiên mà Philippines thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và là một trong hai đối tác chiến lược duy nhất của Philippines.
Tokyo cũng là đối tác chủ chốt của Manila trong thảo luận về an ninh khu vực. Đầu tháng 1/2023, ông Marcos Jr. khẳng định Philippines có thể đóng góp tích cực vào duy trì an ninh khu vực thông qua tăng cường quan hệ đối tác với bạn bè như Nhật Bản và các nước khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai bên thường xuyên tổ chức đối thoại ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng, lần gần đây nhất là tháng 4/2022.
Trong bối cảnh hiện nay, cả Philippines và Nhật Bản khẳng định tiếp tục duy trì, chia sẻ nhiều giá trị chung, đặc biệt là trong nỗ lực bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Hiện Tokyo đang giúp Manila tăng cường năng lực an ninhthông qua viện trợ tàu tuần tra và máy bay.
Tháng 6/2022, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) đã tiếp nhận tàu tuần duyên phản ứng đa năng (MRRV) BRP Melchora Aquino do Tập đoàn đóng tàu Mitsubishi sản xuất với nguồn vốn từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Chỉ huy PCG, Đô đốc Artemio Abu khẳng định con tàu là “niềm tự hào quốc gia”, “biểu tượng của quan hệ đối tác, hợp tác” giữa hai nước.
Đáng chú ý, tháng 11/2022, quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó, Tướng Jose Faustino Jr. từng đề cập khả năng ký kết Thỏa thuận thăm viếng (VFA) giữa Manila và Tokyo, qua đó cho phép các lực lượng phòng vệ Nhật Bản tập trận tại Philippines.
Hiện chưa rõ liệu đề xuất nêu trên có được nhắc tới trong chuyến thăm của ông Marcos Jr. hay không. Tuy nhiên, nếu thành hiện thực, Nhật Bản sẽ trở thành nước thứ ba, bên cạnh Mỹ và Australia, ký kết VFA với Philippines.
Đồng thời, động thái này sẽ có thể đưa hợp tác quân sự song phương lên tầm cao mới, thực sự “tối đa hóa tiềm năng” mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Manila và Tokyo như tuyên bố trước chuyến thăm.