Tổng thống Putin: Kinh tế Nga chống chọi hiệu quả với lệnh trừng phạt
Người dân chọn mua hàng tại một siêu thị ở Moscow, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 23/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nền kinh tế nước này đã chống chọi hiệu quả với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, nhà lãnh đạo Nga cho biết: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, bất chấp tất cả những khó khăn, nền kinh tế Nga đang chống chọi trước các lệnh trừng phạt với niềm kiêu hãnh. Tất cả các chỉ số kinh tế vĩ mô chính đều nói lên điều này”. Ông chỉ ra rằng tình hình hiện nay đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ khối kinh tế của chính phủ và “nhìn chung, những nỗ lực này có tác động tích cực”.
Tổng thống Putin nêu rõ nỗ lực của các cơ quan chức năng Nga đã mang lại kết quả tích cực. Ông nhấn mạnh việc Moscow chuyển sang mô hình hợp tác thương mại với các nước khác, bao gồm cả Belarus, sử dụng đồng ruble đã góp phần làm tăng giá đồng tiền này.
Tổng tống Nga giải thích việc làm này không gây bất lợi cho các đối tác, trong khi đối với Minsk thì hình thức này không phải là mới bởi hai nước đã sử dụng đồng tiền quốc gia từ lâu.
Thảo luận về Nhà nước Liên minh, Tổng thống Nga cho rằng Moscow và Minsk đang phát triển mô hình Nhà nước Liên minh một cách thận trọng, điều chỉnh từng bước đi để củng cố “từ bên trong và bên ngoài” để tạo “nền tảng cơ bản tốt, vững chắc cho sự phát triển kinh tế”.
Liên quan vấn đề này, Tổng thống Belarus Lukashenko thừa nhận nền kinh tế Nga và Nhà nước Liên minh Nga - Belarus được củng cố mạnh mẽ.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Bộ Tài chính Nga ra thông cáo cho biết một ủy ban của chính phủ đã nới lỏng quy định bắt buộc bán nguồn thu ngoại hối của các doanh nghiệp xuất khẩu. Thông cáo có nêu: “Hôm nay, tại Bộ Tài chính Nga, tiểu ban của Ủy ban Chính phủ kiểm soát đầu tư nước ngoài ở Nga đã quyết định giảm tỉ lệ bắt buộc bán nguồn thu xuất khẩu bằng ngoại tệ, được quy định trong Nghị định số 79, từ 80% xuống 50%”.
Bộ trên giải thích, điều này là do sự ổn định của tỉ giá hối đoái với đồng ruble và đạt được mức thanh khoản cần thiết của ngoại tệ trên thị trường trong nước.
Trong khi đó, thông báo ngày 23/5 của Bộ Phát triển kinh tế Nga cho biết có thời điểm trong ngày đồng ruble đã tăng và đạt đỉnh. Thông báo có đoạn: “Theo đánh giá của chúng tôi, hiện nay sự mạnh lên của đồng ruble đang ở mức đỉnh. Nhập khẩu, dòng vốn sẽ thích ứng với các điều kiện mới”. Bộ Phát triển kinh tế Nga nhấn mạnh việc Ngân hàng Trung ương Nga giảm thêm lãi suất cơ bản sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.
Trong diễn biến khác, Phó Thủ tướng thứ nhất của Ukraine Yulia Svyrydenko đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cần giúp đảm bảo lối đi an toàn cho các tàu xuất khẩu lương thực bên ngoài thành phố cảng Odesa để hỗ trợ Ukraine và tránh nạn đói trên thế giới.
Trả lời phỏng vấn tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), bà Svyrydenko cho rằng Ukraine sẽ mất 5, 6, 7 năm để xuất khẩu toàn bộ sản lượng nông nghiệp. Vì vậy, ngay bây giờ việc mở các cảng biển vô cùng quan trọng đối với Ukraine. Bà khẳng định Kiev cần cần một sự đảm bảo từ các đối tác, đương nhiên đó là "một sự đảm bảo về phòng thủ, một sự đảm bảo về an ninh".
Theo dữ liệu của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thuộc Liên Hợp Quốc công bố hồi đầu tháng 5, Ukraine vẫn chưa thể xuất khẩu khoảng 25 triệu tấn ngũ cốc do các cảng của nước này ở Biển Đen, trong đó có thành phố cảng Mariupol, vẫn đang bị phong tỏa do chiến sự.
Trong khi đó, sau các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt lên Nga vì xung đột với Ukraine, kể từ ngày 22/5, nhà xuất khẩu điện của Nga InterRAO đã ngừng bán điện cho các quốc gia Baltic. Theo Bộ trưởng Năng lượng Litva, Dainius Kreivys, "Đây là một bước quan trọng trên con đường giành độc lập về năng lượng của chúng tôi".
Trước đó, hôm 20/5, sàn giao dịch năng lượng Nord Pool đã gửi một thông báo tới InterRAO, theo đó sàn giao dịch này bị cấm ở các nước Baltic, sau các lệnh trừng phạt quốc tế. Trong nhiều năm, Latvia, Litva và Estonia đã và đang nỗ lực để đạt được sự độc lập về năng lượng khỏi Moscow bằng cách tăng cường sản xuất điện trong nước và xây dựng các kết nối lưới điện với Scandinavia và các nước láng giềng khác.
Do đó, xuất khẩu điện từ Nga sang Latvia và Litva, trước đây lên tới 1.300 megawatt giờ mỗi năm, đã giảm xuống còn 300 megawatt giờ vào năm ngoái và ngừng hoàn toàn hiện nay. Đầu tháng 5 là thời điểm cuối cùng Latvia nhập khẩu điện của Nga, trong khi Litva và Estonia ngừng mua hôm 22/5. Năm ngoái, điện của Nga chiếm 17% lượng điện nhập khẩu vào Litva.