Liên minh châu Âu muốn áp đặt hạn chế đối với giá khí đốt Nga. Tuy nhiên chỉ một tuyên bố của Tổng thống Putin đã phá hủy bản kế hoạch đầy tự phụ của EU. Nhà phân tích người Serbia Drago Bosnic nói trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ PolitExpert (PE).
Sau khi nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) quyết định áp giá trần lên dầu mỏ Nga, Liên minh châu Âu cũng rất muốn thực hiện một biện pháp tương tự đối với khí đốt Nga.
Các nhà chức trách EU muốn tước đi lợi nhuận thu được từ việc bán khí đốt của Nga, họ cho rằng Moskva đang sử dụng nguồn tiền này "để tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt trên đất Ukraine".
Để làm được điều này, châu Âu dự định sẽ hạn chế giá khí đốt xuất khẩu của Nga, nhưng tham vọng của họ đã bị chặn đứng bởi hành động kiên quyết của Tổng thống Nga Putin.
“Các nhà lãnh đạo Châu Âu đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng Moskva sẽ đáp trả ngay lập tức bằng việc ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt cho bất kỳ quốc gia nào đưa ra mức trần giá".
"Ông Putin cảnh báo toàn bộ châu Âu có thể rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn nếu thiếu nhiên liệu xanh, điều này sẽ dẫn đến sự tàn phá đối với toàn bộ nền kinh tế EU chỉ trong vài tháng, thậm chí là vài tuần”, chuyên gia người Serbia nhấn mạnh.
Sau tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga, Brussels không thể thuyết phục tất cả các thành viên EU áp đặt hạn chế đối với giá khí đốt. Ông Drago Bosnich nói thêm, ngày nay bất kỳ cuộc thảo luận nào của châu Âu về mức trần giá không khác gì những lời đe dọa suông.
“Ngay khi châu Âu cố gắng đồng ý về mức trần giá, điều này sẽ đẩy thị trường toàn cầu vào một cơn sốt giá khác, trong đó chi phí nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đến 'độ cao của quỹ đạo Trái đất', thực sự sẽ như vậy , người đối thoại của tờ PE kết luận.
Nhưng bên cạnh đó, có một số ý kiến khác cho rằng Nga không nên chủ quan, bởi Mỹ vẫn có thể ra tay bằng cách tung đòn trừng phạt vào các quốc gia không tuân theo chủ trương hạn chế giá bán năng lượng đối với Moskva.
Mỹ đang nắm giữ lợi thế không thể xem thường, đó là trên đà trở thành nguồn đảm bảo năng lượng cho châu Âu, nhờ những con tàu vượt đại dương chở đầy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của mình.
Trong trường hợp có một thành viên Liên minh châu Âu nào đó từ chối áp giá trần với dầu mỏ và khí đốt Nga, Mỹ hoàn toàn đủ khả năng trả đũa bằng cách tăng giá bán nhiên liệu cho họ hay hạn chế xuất khẩu các loại hàng hóa khác.
Không chỉ có vậy, sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu xanh của Nga đang giảm dần, khi những bến cảng tiếp nhận LNG đang được hoàn thành với tốc độ chóng mặt, ngoài ra còn là sự gia tăng tỷ trọng của năng lượng gió và mặt trời.
Liên minh châu Âu thời gian qua cũng nhiều lần khẳng định họ quyết tâm chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, bởi vậy nếu quá cứng rắn, Moskva dễ rơi vào tình trạng "già néo đứt dây".
Cuối cùng, nếu ngừng bán khí đốt cho các khách hàng châu Âu thì bản thân Nga sẽ chịu thiệt hại trước, bởi EU vẫn là thị trường tiêu thụ tài nguyên lớn nhất của họ.
Việt Dũng