Tổng thống Putin: Liên bang Nga sẽ nâng cấp kho vũ khí hạt nhân
Trong một phát biểu mới nhất, Tổng thống Liên bang Nga, ông Vladimir Putin tiết lộ Moskva sẽ nâng cấp kho vũ khí hạt nhân vì đây là phương thức bảo đảm chính cho an ninh quốc gia.
Đài RT cho biết bình luận nêu trên của nhà lãnh đạo Liên bang Nga được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Moskva và phương Tây về cuộc xung đột Ukraine với việc Mỹ và các đồng minh tiếp tục trang bị vũ khí cho Kiev, nhưng vẫn tuyên bố là họ không tham gia vào cuộc xung đột.
Phát biểu tại cuộc họp với các sinh viên tốt nghiệp từ các học viện quân sự hôm 21/6, ông Putin đã cảnh báo rằng Nga sẽ sử dụng mọi phương tiện sẵn có để tự vệ nếu sự tồn tại của nhà nước bị đe dọa.
Nhà lãnh đạo Liên bang Nga nói: “Chúng tôi có kế hoạch phát triển hơn nữa bộ ba hạt nhân như một sự đảm bảo cho khả năng răn đe chiến lược và duy trì sự cân bằng quyền lực trên thế giới”.
Theo RT, 'bộ ba hạt nhân' mà ông Putin đề cập đến là sự kết hợp giữa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đặt căn cứ trên đất liền, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược.
Tất cả các loại vũ khí này đều có thể mang đầu đạn hạt nhân và nhằm đảm bảo rằng kẻ thù tiềm năng không thể tiêu diệt lực lượng hạt nhân của Liên bang Nga chỉ trong một cuộc tấn công đầu tiên.
Xem video Liên bang Nga và Belarus bắt đầu giai đoạn thứ hai của cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật. Nguồn: Tin tức TV
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nói rằng bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân đều sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho nhân loại.
Vào đầu tháng 6/2024, ông Putin lưu ý rằng học thuyết hạt nhân của Liên bang Nga quy định rằng những vũ khí như vậy chỉ có thể được sử dụng khi đối mặt với “mối đe dọa đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của đất nước, nhưng nói thêm rằng Moskva đang xem xét sửa đổi điều này.
Học thuyết hạt nhân hiện tại của Liên bang Nga nêu rõ rằng Moskva có thể sử dụng loại vũ khí này để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân, hoặc trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công thông thường gây ra mối đe dọa cho sự sống còn của Liên bang Nga.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, một số nhà phân tích quân sự Nga có quan điểm cứng rắn đã ủng hộ việc Nga hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông Putin cho biết Nga không cần phải thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu.
Trong một diễn biến liên quan tới vũ khí hạt nhân ở châu Âu, ngày 20/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói rằng vũ khí hạt nhân của Mỹ tạo ra vấn đề an ninh nghiêm trọng nhất ở châu Âu.
Hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết phát biểu tại một cuộc họp báo ở Moskva, bà Zakharova nêu rõ: “Các yêu cầu của chúng tôi về vấn đề này vẫn không thay đổi, bao gồm việc rút tất cả vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu cũng như tháo dỡ cơ sở hạ tầng triển khai vũ khí này”.
Trước đó hồi tháng 3 năm nay, hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng các cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Bắc Âu sẽ được đưa vào danh sách các mục tiêu quân sự hợp pháp trong kịch bản xảy ra xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO.
Bà Zakharova cảnh báo nếu vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai tới Bắc Âu, an ninh của các quốc gia sở hữu loại vũ khí này sẽ không hề mạnh hơn mà trái lại còn bị tổn hại.
Số lượng vũ khí hạt nhân Mỹ triển khai ở châu Âu đạt đỉnh hơn 7.000 vũ khí vào những năm 1970, sau đó giảm mạnh vào cuối những năm 1980 và đầu 1990.
Hiện nay, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ vẫn được bố trí tại 6 căn cứ ở 5 quốc gia thành viên NATO gồm Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Anh và Pháp có lực lượng hạt nhân riêng nên không còn giữ vũ khí Mỹ.