Tổng thống Putin: 'Nga không từ chối đàm phán hòa bình với Ukraine'
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán hòa bình với Ukraine, trong khi chính Kiev đã ký sắc lệnh cấm đàm phán. Ông cũng kêu gọi lãnh đạo thế giới cần phải suy nghĩ cách ngăn chặn 'thảm kịch' trong cuộc chiến ở Ukraine.
Theo RT, trong bài phát biểu trực tuyến tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 22/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết một số nhà lãnh đạo khác đã phát biểu rằng rằng họ "bị sốc" trước hành động "gây hấn" đang diễn ra của Nga ở Ukraine.
"Đúng, tất nhiên, các hành động quân sự luôn là một thảm kịch đối với những người cụ thể, gia đình cụ thể và đối với cả đất nước", Tổng thống Putin nói.
Ông nhấn mạnh rằng: "Tất nhiên, chúng ta nên nghĩ cách ngăn chặn thảm kịch này. Và Nga chưa bao giờ từ chối các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine".
Tổng thống Putin tiếp tục tuyên bố rằng mặc dù ông hiểu "cú sốc" do cuộc xung đột này mang lại, nhưng ông cũng đặt câu hỏi tại sao thế giới không có phản ứng như vậy đối với "cuộc đảo chính ở Ukraine vào năm 2014, sau đó là cuộc chiến của chính quyền Kiev chống lại người dân ở Donbass" hay "việc dân thường ở Palestine bị tấn công" và sự thừa nhận của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres rằng Gaza đã biến thành "nghĩa địa của trẻ em".
Ông cũng nói rằng "thật sốc" khi các bác sĩ ở Gaza đang phải thực hiện các ca phẫu thuật mà không gây mê.
Tuyên bố của Tổng thống Nga Putin được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 21/11 thừa nhận với Fox News rằng việc Kiev không đạt được bất kỳ thành công đáng kể nào trong chiến dịch phản công đang tạo ra sự "bi quan" cho phương Tây - những người đã chi hàng tỷ USD viện trợ quân sự và tài chính cho nước này.
Tổng thống Zelensky cũng thừa nhận cuộc xung đột với Nga có lẽ có thể dừng lại nếu Kiev nhượng bộ vùng Donbass và bán đảo Crimea, nhưng nhấn mạnh rằng Kiev "chưa sẵn sàng" cho kế hoạch hòa bình như vậy.
Cũng trong ngày 22/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết Kiev đã phải chịu tổn thất "khổng lồ" trong tháng 11, ước tính lên tới hơn 13.700 binh sĩ. Tháng trước, ông cũng tuyên bố rằng Kiev đã mất hơn 90.000 binh sĩ kể từ khi bắt đầu cuộc phản công mùa hè hồi tháng 6.
Ukraine chưa đưa ra phản hồi về các con số thương vong trên của Bộ Quốc phòng Nga. Tuy nhiên, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine trong cùng ngày báo cáo rằng Nga đã mất tổng cộng 319.820 binh sĩ kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt được khởi động ngày 24/2/2022, với 17.400 binh sĩ Nga được cho là đã thiệt mạng trong tháng 11.
Trong khi đó, ông Valery Zaluzhny, tướng hàng đầu của Ukraine, hồi đầu tháng này cũng từng thừa nhận rằng cuộc xung đột với Nga đã đi vào "bế tắc" và lực lượng vũ trang Ukraine có thể sẽ không sớm đạt được đột phá trong cuộc đối đầu. Tuy nhiên, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã phản đối đánh giá này khi cho rằng cuộc phản công vẫn đang ghi nhận tiến bộ trong một nỗ lực nhằm đưa Ukraine trở lại biên giới trước năm 2014.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào cuối tháng 2/2022, đã có nhiều nỗ lực đàm phán và xúc tiến hòa bình được đề xuất. Trong đó, Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine.
Đầu tháng 4/2022, cuộc đàm phán giữa hai bên đã bị đóng băng sau khi Ukraine cáo buộc quân đội Nga sát hại dân thường ở vùng ngoại ô Bucha của thủ đô Kiev, trong khi Moscow phủ nhận điều này. Kể từ đó, Nga và Ukraine đã không ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về giải pháp hòa bình.
Đến tháng 10/2022, sau khi Nga tiến hành sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, Tổng thống Ukraine Zelensky ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Tổng thống Nga Putin. Sắc lệnh này loại trừ mọi khả năng Kiev tiến hành đàm phán với Moscow khi ông Putin vẫn nắm quyền.
Nga và Ukraine đều đưa ra những tuyên bố cứng rắn, trong đó Kiev tuyên bố sẽ chỉ ngồi vào bàn đàm phán khi Moscow rút quân và trao trả các vùng đã sáp nhập, bao gồm cả bán đảo Crimea.
Ngược lại, Nga cáo buộc sắc lệnh cấm đàm phán của Ukraine đã cản trở các cuộc hòa đàm giữa hai nước, đồng thời yêu cầu Kiev cần phải nhìn nhận "thực tế mới về lãnh thổ" và công nhận các tuyên bố của Moscow với những khu vực đã sáp nhập.