Tổng thống Sri Lanka rời khỏi đất nước bằng máy bay quân sự
Hôm 13-7, BBC đưa tin Tổng thống Sri Lanka - Gotabaya Rajapaksa đã rời khỏi đất nước trên một máy bay phản lực quân sự, trong bối cảnh hàng loạt cuộc biểu tình phản đối cuộc khủng hoảng kinh tế của nước này đang diễn ra.
Lực lượng không quân nước này xác nhận người đàn ông 73 tuổi đã bay tới Maldives cùng vợ và hai quan chức an ninh.
Họ đến thủ đô Male vào khoảng 5h sáng 13-7 (giờ VN).
Sự ra đi của ông Rajapaksa kết thúc một triều đại gia đình đã lãnh đạo Sri Lanka trong nhiều thập kỷ.
Tổng thống đã lẩn trốn sau khi đám đông tràn vào dinh thự của ông vào tuần trước và đã cam kết sẽ từ chức vào ngày 13-7.
Một nguồn tin nói với BBC rằng ông Rajapaksa sẽ không ở lại Maldives và có ý định đi đến nước thứ ba. Anh trai của ông, cựu Bộ trưởng Tài chính Basil Rajapaksa, cũng đã rời Sri Lanka và được cho là sẽ tới Mỹ.
Rajapaksa từng nhấn mạnh: 'Từ chức ngay bây giờ hoặc đối mặt với sự phản đối lớn'.
Khi người dân Sri Lanka nhận ra tin tức, hàng nghìn người đã xuống đường ở thủ đô Colombo. Nhiều người tập trung tại Galle Face Green, địa điểm biểu tình chính của thành phố. Một số người đã nghe những bài phát biểu nảy lửa tại một sân khấu tạm được thiết lập cho những người bình thường cầm mic.
Nổi lên trong đó là những tiếng hô vang: "Cuộc đấu tranh đã thắng".
Tổng thống Sri Lanka - Gotabaya Rajapaksa
Một số người biểu tình đã rất tức giận về sự ra đi của ông Rajapaksa, họ cho rằng ông thiếu trách nhiệm giữa lúc đất nước đang khó khăn.
"Chúng tôi không thích điều đó. Chúng tôi muốn giữ ông ta lại. Chúng tôi muốn lấy lại tiền của mình! Và chúng tôi muốn đưa tất cả những người trong nhà Rajapaksas vào tù” – một người biểu tình nói.
Nhưng sinh viên đại học 23 tuổi Reshani Samarakoon nói với BBC rằng việc cựu tổng thống lưu vong mang đến "hy vọng rằng trong tương lai chúng ta có thể trở thành một quốc gia phát triển về kinh tế và xã hội".
Người dân Sri Lanka đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống Rajapaksa về cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Trong nhiều tháng, họ đã phải vật lộn với việc cắt điện hàng ngày và thiếu hụt những thứ cơ bản như nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men.