Tổng thống Trump cảnh báo Ukraine về hậu quả nếu bác bỏ thỏa thuận khoáng sản
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cần cân nhắc kỹ trước khi từ chối phiên bản mới nhất của thỏa thuận khoáng sản do Mỹ đề xuất.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, D.C., ngày 20/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo đài RT ngày 31/3, ông Trump nhiều lần yêu cầu Ukraine hoàn trả khoản viện trợ mà ông tuyên bố lên tới hàng trăm tỷ USD của Mỹ thông qua nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine, ban đầu tập trung vào đất hiếm. Một phiên bản trước của thỏa thuận dự kiến được ký vào đầu tháng 3, nhưng đã bị rút lại đột ngột sau khi ông Zelensky tranh cãi gay gắt với ông Trump và Phó tổng thống J.D. Vance trong một cuộc họp tại Phòng Bầu dục.
Sau khi ông Trump tạm thời đóng băng toàn bộ viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine, ông Zelensky bày tỏ sẵn sàng nối lại đàm phán, nhưng vẫn khẳng định nước này không nợ Mỹ bất cứ điều gì.
Ngày 28/3, ông Zelensky xác nhận Ukraine đã nhận được bản đề xuất mới, nhưng bình luận: “Có rất nhiều điều chưa từng được thảo luận trước đây. Và cũng có một số điều mà các bên đã bác bỏ trước đó”.
Đáp lại, trong cuộc trao đổi với các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một ngày 30/3, ông Trump cáo buộc ông Zelensky đang tìm cách rút lui khỏi thỏa thuận. Ông nói: “Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận về đất hiếm. Và giờ ông ấy lại nói: 'À, tôi muốn đàm phán lại'… Nếu ông ấy muốn đàm phán lại thỏa thuận, ông ấy sẽ gặp vấn đề lớn”.
Ngoài ra, ông Trump cũng nhắc lại rằng Ukraine nên từ bỏ tham vọng gia nhập NATO. Ông Trump tuyên bố: “Ông ấy muốn trở thành thành viên NATO, nhưng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra”. Ông cũng khẳng định ông Zelensky hiểu rõ điều đó.
Theo hãng tin Reuters, phiên bản mới nhất của thỏa thuận khoáng sản có điều khoản khắc nghiệt hơn nhiều so với các bản trước đó. Theo các điều kiện đề xuất, Mỹ sẽ thu hồi toàn bộ khoản viện trợ đã cung cấp cho Ukraine kể từ khi xung đột với Nga leo thang vào năm 2022, đồng thời áp mức lãi suất 4% mỗi năm đối với tổng số tiền này trước khi Ukraine có thể tiếp cận bất kỳ khoản lợi nhuận nào từ quỹ khai thác chung.
Theo dữ liệu từ Viện Kiel của Đức, Mỹ đã phân bổ hơn 123 tỷ USD viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine kể từ năm 2022. Tuy nhiên, ông Trump khẳng định con số thực tế mà Washington đã chi vượt quá 300 tỷ USD.