Tổng thống Trump chuẩn bị sắc lệnh hành pháp để tăng xuất khẩu vũ khí

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch ban hành một sắc lệnh hành pháp nhằm nới lỏng các quy định về xuất khẩu trang thiết bị quân sự.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một sự kiện ở Nhà Trắng ngày 24/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một sự kiện ở Nhà Trắng ngày 24/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, ông Trump có thể công bố sắc lệnh này vào ngày 1 hoặc 2/4 (giờ Mỹ).

Các nguồn tin cho biết họ dự đoán sắc lệnh này sẽ tương tự như dự luật được Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Waltz đề xuất vào năm 2024 khi ông là thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện.

Sắc lệnh hành pháp có thể sẽ tăng doanh thu cho các nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ như Lockheed Martin, RTX Corp và Boeing.

Nếu dự luật được thông qua và trở thành luật, luật này sẽ thay đổi quy định trong Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí của Mỹ, nhằm tăng mức tiền tối thiểu mà khi đạt đến mức đó, Quốc hội Mỹ sẽ phải xem xét các giao dịch xuất khẩu vũ khí sang các quốc gia khác.

Các mức này sẽ tăng từ 14 triệu USD lên 23 triệu USD đối với hoạt động chuyển giao vũ khí, tăng từ 50 triệu USD lên 83 triệu USD đối với hoạt động bán trang thiết bị quân sự, nâng cấp, đào tạo và các dịch vụ khác.

Mức này sẽ cao hơn đối với các thành viên NATO cũng như các đối tác thân thiết của Mỹ như Australia, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Đối với các thương vụ liên quan các quốc gia này, Quốc hội Mỹ phải được thông báo trước 15 ngày trước đợt chuyển giao vũ khí, trong khi đối với các quốc gia khác, thời gian thông báo là 30 ngày.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump thường bày tỏ sự thất vọng khi các thành viên Quốc hội Mỹ trì hoãn thương vụ bán vũ khí cho nước ngoài vì lý do nhân quyền hoặc các vấn đề khác.

Vào năm 2019, ông đã khiến nhiều nhà lập pháp tức giận khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì căng thẳng với Iran. Tình trạng khẩn cấp này đã cho phép ông bỏ qua một quy tắc từ lâu yêu cầu Quốc hội Mỹ phải xem xét các giao dịch bán vũ khí lớn. Sau đó, ông đã hoàn tất thương vụ bán vũ khí trị giá hơn 8 tỷ USD cho Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Jordan.

Vào thời điểm đó, các thành viên Quốc hội Mỹ đã chặn các thương vụ bán trang thiết bị quân sự cho Saudi Arabia và UAE trong suốt nhiều tháng vì thương vong dân thường trong chiến dịch không kích Houthi tại Yemen cũng như một số vấn đề ở Saudi Arabia.

Theo trang euractive.com, nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) về xuất khẩu vũ khí từ 2020-2024 cho thấy Mỹ đã tăng doanh số bán hàng, đặc biệt nhờ vào nhu cầu từ châu Âu, cũng như tăng lượng máy bay chiến đấu thế hệ mới cũng như tên lửa tầm xa.

Đây là lần đầu tiên trong hai thập kỷ, châu Âu trở thành khách hàng vũ khí lớn nhất của Mỹ. Ukraine chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ trong giai đoạn 5 năm, tăng mạnh sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vào tháng 2/2022. Với các hợp đồng lớn đã được ký kết cho các hợp đồng bán hàng trong tương lai, Mỹ có khả năng vẫn sẽ duy trì vị trí dẫn đầu trong một thời gian dài.

Ông Pieter Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI, cho biết: “Những quốc gia NATO ở châu Âu có gần 500 máy bay chiến đấu và nhiều loại vũ khí khác vẫn đang chờ giao từ Mỹ”.

Theo các con số, Tây Âu và Mỹ cùng nhau chiếm gần 75% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm qua.

Mỹ đứng đầu, tiếp theo là Pháp, chiếm khoảng 10% thị trường, đẩy Nga xuống vị trí thứ ba.

Mỹ đã tăng xuất khẩu lên 21% so với giai đoạn năm năm trước, cung cấp vũ khí cho tổng cộng 107 quốc gia. 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ là đến châu Âu - khách hàng lớn nhất.

Các đợt chuyển giao vũ khí, dù là bán hay tặng, từ lâu đã được các chính phủ sử dụng để xây dựng mối quan hệ chính trị khó có thể bị phá vỡ. Tuy nhiên, với những căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và châu Âu, các quốc gia châu Âu đã phải tăng chi tiêu đáng kể.

Vẫn chưa rõ liệu châu Âu có tiếp tục mua nhiều thiết bị vũ khí sản xuất tại Mỹ hay chuyển sang các sản phẩm nội địa.

Khu vực Trung Đông chỉ đứng sau châu Âu về số lượng mua hàng từ Mỹ khi 33% xuất khẩu của Mỹ đi đến khu vực này. Quốc gia mua vũ khí Mỹ nhiều nhất là Saudi Arabia.

Khả năng tấn công tầm xa tiên tiến của vũ khí Mỹ, như các máy bay chiến đấu, là lý do chính khiến Mỹ trở thành nhà cung cấp hấp dẫn.

Tên lửa tầm xa và tên lửa tấn công mặt đất do các nhà sản xuất Mỹ sản xuất cũng đang bán chạy trên toàn cầu. Trong 5 năm qua, Mỹ đã chiếm gần một nửa tổng số lượng xuất khẩu của các loại tên lửa này.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tong-thong-trump-chuan-bi-sac-lenh-hanh-phap-de-tang-xuat-khau-vu-khi-20250402103138422.htm