Tổng thống Trump đưa ra bình luận đầu tiên về xung đột Nga-Ukraine sau lễ nhậm chức

Trong bình luận đầu tiên về xung đột Nga-Ukraine sau lễ nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những nhận xét hiếm hoi chỉ trích nhà lãnh đạo Liên bang Nga.

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tại lễ nhậm chức ở Washington, D.C., ngày 20/1/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tại lễ nhậm chức ở Washington, D.C., ngày 20/1/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Bài phát biểu nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây chú ý bởi sự im lặng về Ukraine. Nhưng chỉ vài giờ sau, ông Trump đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về cuộc chiến ở Ukraine và quan điểm này đối với Điện Kremlin gay gắt hơn nhiều so với dự đoán.

Phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng, ông Trump nói về Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin: “Ông ấy nên đạt được một thỏa thuận. Tôi nghĩ ông ấy đang phá hủy nước Nga vì không chịu thỏa thuận”.

Tân Tổng thống Mỹ không giấu giếm sự chỉ trích, tập trung vào những thiệt hại kinh tế mà chiến tranh gây ra cho Liên bang Nga. “Tôi nghĩ Liên bang Nga đang gặp rắc rối lớn. Hãy nhìn vào nền kinh tế của họ. Hãy nhìn vào lạm phát ở Liên bang Nga”, ông Trump nói và đề cập đến lạm phát tăng lên gần 10% ở Liên bang Nga.

Tân Tổng thống Mỹ cho biết ông từng có mối quan hệ tốt với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và hy vọng ông Putin muốn đạt được một thỏa thuận.

Đề cập tới tình hình hiện nay, ông Trump nói: “Ông ấy không ổn lắm. Ý tôi là, ông ấy đang cố cầm cự… điều đó không làm ông ấy trông tốt hơn… Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu ông ấy kết thúc cuộc chiến đó”.

Tân Tổng thống Mỹ nói thêm rằng ông sẽ gặp người đồng cấp phía Liên bang Nga và các chi tiết đang được sắp xếp. “Có thể sẽ rất sớm”, ông Trump cho biết và nhấn mạnh: “Cuộc chiến giữa Ukraine và Liên bang Nga lẽ ra không bao giờ nên bắt đầu”.

Khi được nhắc rằng ông đã hứa sẽ kết thúc chiến tranh ở Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ đùa: “Tôi còn nửa ngày nữa. Hãy chờ xem. Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề này”.

Tân Tổng thống Mỹ cũng chia sẻ rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói với ông rằng ông ấy muốn đạt được một thỏa thuận – lặp lại những tuyên bố gần đây từ Kiev rằng họ sẵn sàng đối thoại, miễn là kết quả mang lại một giải pháp hòa bình bền vững, chấp nhận được đối với Ukraine.

“Ông Zelensky muốn đạt được một thỏa thuận”, ông Trump nói. “Tôi không biết Putin có muốn không. Có thể là không. Tôi không rõ”.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chúc mừng tân Tổng thống Mỹ, gọi ông Trump là “một người mạnh mẽ”, và nói thêm rằng: “Người dân Ukraine sẵn sàng hợp tác với người Mỹ để đạt được hòa bình, một nền hòa bình thực sự. Đây là cơ hội mà chúng ta phải nắm bắt”.

Theo CNN, những nhận xét nêu trên là một trong những chỉ trích gay gắt nhất mà ông Trump từng đưa ra về nhà lãnh đạo Điện Kremlin. Việc ông Trump tập trung vào sự quản lý kinh tế yếu kém và sự chịu đựng của Điện Kremlin trước con số thương vong kinh hoàng cho thấy Nhà Trắng có thể nhận thức rằng Moskva đang chịu áp lực về thời gian và dự định khai thác điều đó.

Trước đây, trong suốt chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng, cả ông Trump và Phó Tổng thống JD Vance đều bày tỏ hoài nghi về việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến, thường gợi ý rằng Ukraine nên chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn với Liên bang Nga, dù phải mất lãnh thổ.

Việc tân Tổng thống Mỹ khẳng định mong muốn gặp ông Putin cho thấy ông tin rằng kỹ năng thương lượng cá nhân của mình – “nghệ thuật đàm phán” – có thể mở ra con đường ngoại giao.

Đáng an ủi cho Kiev là ông Trump nhấn mạnh rằng viện trợ cho Ukraine nên dựa trên việc các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu cần đóng góp nhiều hơn, thay vì việc Mỹ ngừng hỗ trợ.

Ông Trump bắt đầu cuộc trao đổi với các phóng viên bằng cách chỉ trích các thành viên NATO ở châu Âu, nói rằng họ cần chi 5% GDP cho quốc phòng – gần gấp đôi so với mức hiện tại của nhiều quốc gia.

Theo ông Trump, Mỹ đang chi 200 tỷ USD cho viện trợ Ukraine, nhiều hơn châu Âu. “Thật nực cười. Vì điều này ảnh hưởng đến họ nhiều hơn rất nhiều. Chúng ta còn có một đại dương ngăn cách”, ông Trump nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gửi lời chúc mừng ông Donald Trump, nêu bật sự quyết đoán của tân Tổng thống Mỹ, đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác tích cực và cùng có lợi với chính quyền mới của Mỹ. Ảnh: PAP/TTXVN

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gửi lời chúc mừng ông Donald Trump, nêu bật sự quyết đoán của tân Tổng thống Mỹ, đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác tích cực và cùng có lợi với chính quyền mới của Mỹ. Ảnh: PAP/TTXVN

Tờ The Kyiv Independent cho rằng một trong những thách thức lớn nhất mà ông Trump phải đối mặt là sự cứng rắn từ phía Liên bang Nga. Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã tuyên bố rằng Moskva sẽ chỉ đồng ý ngừng bắn nếu quân đội Ukraine rút khỏi các tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson. Yêu cầu này đặt ra một bài toán khó cho bất kỳ kế hoạch hòa bình nào mà ông Trump đề xuất.

Ukraine cũng có những yêu cầu rõ ràng trong việc đạt được hòa bình. Điều này cho thấy rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần có sự đồng thuận từ Kiev, điều mà Washington không thể áp đặt.

Chuyên gia Michael O'Hanlon từ Viện Brookings cho rằng bất kỳ thỏa thuận nhanh chóng nào đều có nguy cơ không bền vững nếu không đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine.

Do đó, Tổng thống Trump đang đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine. Trong khi ông muốn được ghi nhận như một người mang lại hòa bình, thực tế cho thấy rằng các yếu tố bên ngoài như lập trường của Liên bang Nga và yêu cầu từ phía Ukraine sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng thành công của bất kỳ kế hoạch nào. Sự phức tạp của tình hình hiện tại yêu cầu một chiến lược khéo léo và cân nhắc kỹ lưỡng để đạt được một giải pháp bền vững.

Trong bối cảnh hiện tại, triển vọng tương lai cho cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn còn mờ mịt. Một số chuyên gia dự đoán rằng nếu ông Trump không thể tạo ra một thỏa thuận hợp lý giữa hai bên, căng thẳng có thể tiếp tục leo thang và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn cho cả khu vực Đông Âu và thế giới.

Như vậy, sự thành công trong việc đạt được hòa bình sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Một, sự đồng thuận giữa các bên. Cả Liên bang Nga và Ukraine đều cần phải nhượng bộ để tiến tới một giải pháp khả thi. Hai, sự hỗ trợ quốc tế: Việc cộng đồng quốc tế duy trì áp lực lên cả hai bên sẽ là chìa khóa để thúc đẩy tiến trình hòa bình. Ba, chính sách nội bộ của Mỹ: Sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Trump sẽ ảnh hưởng lớn đến cách thức giải quyết xung đột.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo CNN/The Kyiv Independent)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tong-thong-trump-dua-ra-binh-luan-dau-tien-ve-xung-dot-ngaukraine-sau-le-nham-chuc-20250122053923016.htm