Tổng thống Trump hạ lệnh tấn công Iran, sau đó lại đổi ý
Một chỉ thị thực hiện chiến dịch quân sự nhằm vào các mục tiêu quân sự của Iran đã bị hủy ngay trong giai đoạn đầu tiên vào hôm thứ Năm vừa qua, dù lý do để tổ chức chiến dịch tấn công này vẫn chưa được làm rõ.
Được tờ New York Times đăng tải và xác nhận bởi tạp chí Newsweek, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "bật đèn xanh" cho một đòn tấn công nhằm vào một loạt vị trí ở Iran, và giới chức quân sự đang chuẩn bị tiến hành cuộc tấn công này thì ông Trump lại đổi ý và hạ lệnh ngừng chiến dịch.
Các quan chức giấu tên nói với tờ New York Times rằng họ không hiểu lý do vì sao mà ông Trump thay đổi ý định, hoặc liệu đòn tấn công này có được thực hiện trở lại trong những ngày tới, khi căng thẳng Mỹ-Iran tiếp tục gia tăng hay không. Một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc nói với Newsweek rằng các lực lượng của Mỹ trong khu vực - bao gồm chiến hạm tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga USS Leyte Gulf - đã được chỉ thị chờ lệnh trong vòng 72 giờ.
Nguồn tin này còn tiết lộ, các lực lượng Mỹ bị đánh thức vào lúc 2h00 sáng hôm thứ Năm (giờ địa phương) ngay trong thời điểm thực hiện tấn công, nhưng sau đó không có điều gì xảy ra cả. Vào thời điểm 6h30 sáng cùng ngày, thậm chí đến 7h00 tối cùng ngày, các kế hoạch tấn công vẫn được tin là đang diễn ra.
Dù nhiều báo cáo xuất hiện trên Twitter, viết bằng tiếng Arab, cho rằng xuất hiện nhiều còi cảnh báo và tiếng nổ ở thành phố Bushehr, Tây Nam Iran - nơi có nhiều cơ sở hạt nhân và trang thiết bị quân sự - và làm dấy lên nhiều lời bàn tán trên mạng xã hội; nhưng cuối cùng thì các báo cáo này được chứng minh là sai sự thực.
Một trong số các mục tiêu tấn công trong kế hoạch ban đầu của Mỹ là hệ thống tên lửa đất-đối-không S-125 Neva/Pechora, một hệ thống phòng không do Liên Xô sản xuất mà NATO gọi là SA-3 Goa. Lầu Năm Góc tin rằng đây là hệ thống mà Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) sử dụng để bắn hạ máy bay không người lái (drone) RQ-4A Global Hawk của hải quân Mỹ; trong khi phía Iran tuyên bố rằng họ sử dụng tên lửa Khodard, một biến thể của hệ thống tên lửa đất-đối-không Raad sản xuất trong nước.
Iran tuyên bố rằng chiếc drone bị bắn hạ đã vi phạm không phận của họ, trong khi Lầu Năm Góc cho rằng máy bay của họ đang hoạt động trên không phận quốc tế.
Máy bay do thám không người lái RQ-4 Global Hawk của hải quân Mỹ bị bắn hạ mới đây (Ảnh: Newsweek)
Mỹ và Iran trong quá khứ từng lao vào nhiều cuộc đụng đột trên vùng biển chiến lược ở Vịnh Ba Tư, nhưng kế hoạch tấn công mà Mỹ lên kế hoạch nêu trên là chưa từng có tiền lệ trong suốt 40 năm thù địch giữa hai bên.
Dù Tổng thống Trump từng ra chỉ thị tấn công nhằm vào Syria hồi tháng 4/2017 và trong cả năm 2018, nhưng quyết định tấn công Iran lại là chuyện khác, bởi nó đi ngược lại lời tuyên bố sẽ từ bỏ các chiến dịch quân sự kéo dài, hao tốn tiền của mà ông từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016.
Iran và Mỹ từng có khoảng thời gian bớt thù địch và căng thẳng, sau khi Tổng thống Barack Obama ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015, cam kết gỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Iran để đối lấy việc nước này hạn chế các hoạt động phát triển hạt nhân trong nước. Nhưng các sự kiện xảy ra thời gian qua lại một lần nữa khiến căng thẳng giữa hai nước gia tăng tột đột.
Năm ngoái, ông Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân sau nhiều lần chỉ trích thỏa thuận này là "thiếu sót" khi không đủ để ngăn chặn hoạt động của các nhóm vũ trang mà Iran hậu thuẫn hay kế hoạch phát triển tên lửa đạn đạo của Iran. Iran luôn bác bỏ cáo buộc cho rằng họ tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng tháng trước lại nói rằng sẽ tạm ngừng thực thi cam kết trong thỏa thuận hạt nhân và bắt đầu làm giàu uranium ở mức độ cao hơn.
Cũng trong khoảng thời gian đó, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và nhiều quan chức chóp bu trong chính quyền Trump đưa ra lời cảnh báo về mối đe dọa Iran gây ra nhằm vào các lợi ích của Mỹ trong khu vực Trung Đông. Và sau đó là hàng loạt sự kiện xảy ra mà Mỹ chỉ tay cáo buộc Iran - trong đó có vụ tấn công bằng rocket nhằm vào các căn cứ của Iraq, các vụ tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Oman và mới nhất là vụ drone của Mỹ bị bắn hạ hôm thứ Năm vừa qua.
Iran ra sức bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng họ quấy rối binh sỹ Mỹ hay các tàu thương mại nước ngoài, nhưng công khai tuyên bố đã bắn hạ drone của Mỹ vì nó vi phạm không phận của họ.
Sau sự việc, cả hai bên đều công bố các tấm bản đồ cho thấy đường bay khác nhau của drone RQ-4A. Cả hai bên đều khẳng định rằng đây là đường bay mà họ đã thu thập được và là phiên bản chính xác.
Tấm bản đồ vẽ tay mà Iran công bố để chứng minh drone của Mỹ vi phạm không phận của họ (Ảnh: Newsweek)
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thậm chí tuyên bố sẽ trình vụ việc lên LHQ - tổ chức đã kêu gọi cuộc điều tra nhằm vào các vụ tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Oman. Nga, Trung Quốc và cả các siêu cường ở châu Âu - hiện vẫn đang ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran - đã lên tiếng kêu gọi Mỹ không gia tăng căng thẳng với Iran, cảnh báo về những hậu quả thảm khốc. Nhưng chính quyền Trump tỏ ra lạnh nhạt với lời kêu gọi này, bởi phần nào đang chịu sức ép chính trị ghê gớm ở trong nước.
Chỉ vài ngày trước khi vụ drone bị bắn hạ xảy ra, ông Brian Hook - Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Iran - đối mặt với sức ép từ nhiều nhà lập pháp có tư tưởng hoài nghi về khả năng ra quyết định hành động quân sự của Tổng thống mà không có sự đồng thuận của Quốc hội. Ông Hook cố gắng né tránh các câu hỏi, trả lời rằng chính quyền "sẽ làm mọi thứ cần thiết, tuân thủ quyền lực của Quốc hội trong vấn đề chiến tranh".
Trở lại Tehran, Tư lệnh IRGC Hossein Salami tuyên bố rằng vụ bắn hạ máy bay không người lái hôm thứ Năm đã gửi đi "thông điệp rõ ràng" tới Mỹ. Ông nói đất nước ông "không có ý định gây chiến với bất kỳ quốc gia nào", nhưng luôn "sẵn sàng" tham chiến.
Nhận câu hỏi của báo giới về việc liệu ông có đáp trả lại vụ bắn hạ drone RQ-4A bằng vũ lực hay không, Tổng thống Trump ban đầu chỉ nói rằng "Các bạn sẽ sớm biết thôi", và còn nói Iran không có mục đích gì trong vụ việc này. Nhưng chỉ vài giờ sau, các nhà lập pháp hàng đầu của Mỹ - trong đó có Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và thủ lĩnh nhóm thiểu số Thượng viện Chuck Schumer - đưa ra cảnh báo rằng, ngay cả những hành động hạn chế cũng có thể biến thành một cuộc xung đột tổng lực.
"Tôi đã nói với ngài Tổng thống rằng các cuộc xung đột này luôn có cách tăng nhiệt. Tổng thống có thể không có ý định lao vào một cuộc chiến, nhưng chúng tôi lo ngại rằng ông và chính quyền của ông có thể đang lao vào cuộc chiến" - ông Schumer nói trước báo giới, gợi lại các sự kiễn từng dẫn tới cuộc chiến ở Iraq trước kia, trong đó các thông tin tình báo sai lệch của quân đội Mỹ cuối cùng dẫn tới một cuộc chiến gây bất ổn cho khu vực Trung Đông cho tới tận ngày nay.