Tổng thống Trump nói gì về phán quyết với bà Le Pen?
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã bày tỏ quan điểm về phán quyết của tòa án Pháp đối với lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen, cho rằng đó là một vấn đề 'rất lớn'.
Lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen vừa gặp thất bại chính trị lớn khi tòa án Pháp ra phán quyết cấm bà tham gia các chức vụ công trong 5 năm sau khi bà bị kết tội tham ô hôm 31/3.
Phán quyết này tạo một cơn "địa chấn" trong chính trị Pháp, đã dập tắt tham vọng tổng thống của nữ lãnh đạo phe cực hữu Pháp.
Quyết định còn thu hút sự chú ý của nhiều lãnh đạo quốc tế, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump và tỷ phú Elon Musk.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập đến bản án của bà La Pen trong buổi ký một sắc lệnh hành pháp ltại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 31/3. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Trump: “Có vẻ giống đất nước này”
Suốt những năm qua, các nhà bảo vệ quyền lợi đã chỉ ra sự tương đồng giữa bà Le Pen và ông Trump, đặc biệt là trong quan điểm chống nhập cư và những phát ngôn công kích cộng đồng thiểu số.
Phán quyết của tòa án Pháp là một cú sốc lớn đối với Le Pen, 56 tuổi, người đứng đầu đảng Liên minh Quốc gia (RN). Bà là nhân vật nổi bật nhất của cánh hữu cực đoan châu Âu và đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò cho cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm 2027.
"Tôi biết rõ về việc này, và nhiều người đã nghĩ rằng bà ấy sẽ không bị kết án", ông Trump cho biết tại buổi lễ ký sắc lệnh hành pháp tại Nhà Trắng vào ngày 31/3, theo Reuters.
"Nhưng bà ấy bị cấm tranh cử trong 5 năm, và bà ấy là ứng viên dẫn đầu. Nghe có vẻ giống như đất nước này, rất giống với tình huống ở đây", ông Trump nói, ám chỉ đến các vụ kiện mà chính ông đã phải đối mặt trước khi nhậm chức.
Ông Trump đã bày tỏ sự quan ngại về phán quyết này, gọi đó là "một vấn đề rất lớn", đồng thời cho rằng quyết định này có thể làm gia tăng những bất mãn trong công chúng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng bị truy tố trong vụ chi trả tiền bịt miệng cho ngôi sao khiêu dâm, những nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử 2020 và giữ tài liệu mật sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Tuy nhiên, ông luôn khẳng định các vụ kiện này mang động cơ chính trị.
Các cáo buộc liên bang chống lại ông đã được hủy bỏ sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 2024.
Khi được hỏi về phán quyết và bản án của Marine Le Pen, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ “biết về các báo cáo liên quan đến bản án của bà ấy”.
“Việc loại trừ người dân khỏi quá trình chính trị đặc biệt đáng lo ngại, nhất là khi xét đến cuộc chiến pháp lý tấn công Tổng thống Trump tại Mỹ”, Bruce nói, đồng thời từ chối bình luận cụ thể về vụ việc của Le Pen, Politico cho biết.
Với những người ủng hộ đảng RN, phán quyết này càng củng cố niềm tin rằng hệ thống đã bị thao túng chống lại họ.
Một số người cho rằng đây là cuộc tấn công vào nền dân chủ, khi Le Pen lên tiếng cho rằng phán quyết là sự xâm phạm "ý chí của nhân dân". Bà cho rằng hệ thống tư pháp đang bị lợi dụng - tương tự những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về một cuộc "săn phù thủy".
Thậm chí Elon Musk cũng phản ứng mạnh mẽ với bản án này trên X, nói rằng: “Khi phe cánh tả cực đoan không thể thắng cử qua lá phiếu dân chủ, họ lạm dụng hệ thống tư pháp để bỏ tù đối thủ của mình”.
Các đồng minh của Le Pen nhanh chóng chỉ trích bản án bằng những từ ngữ như “sự can thiệp quá mức của tòa án” và “hổ thẹn”.
Phản ứng trái chiều từ chính trường
Một số chính trị gia, kể cả đối thủ của Le Pen, cũng tỏ ra e dè về hậu quả của bản án. Thủ tướng François Bayrou thừa nhận ông “lo lắng”, trong khi Bộ trưởng Tư pháp Gerald Darmanin từng cảnh báo trên X vào tháng 11 rằng việc cấm Le Pen tranh cử sẽ gây “cú sốc sâu sắc”.

Lãnh đạo cánh hữu cực đoan Pháp Marine Le Pen, nghị sĩ thuộc đảng Rassemblement National (Liên minh Quốc gia - RN). Ảnh: Reuters.
Ngay trong một tuyên bố hôm 31/3, Hội đồng Tư pháp Pháp đã bày tỏ lo ngại về những "phản ứng gay gắt" nhắm vào thẩm phán mà phán quyết này gây ra, khi các đồng minh của bà Le Pen tại Pháp và các lãnh đạo cực hữu từ các nước châu Âu đã lên án nó, theo CNN.
“Trong một xã hội dân chủ, các tuyên bố công kích bản án hay quá trình xét xử là không thể chấp nhận”, thông báo nhấn mạnh.
Một số người lại hoan nghênh phán quyết này, cho rằng cần phải tôn trọng độc lập của ngành tư pháp và nguyên tắc pháp quyền sau khi thẩm phán kết án Le Pen về tội tham ô quỹ Liên minh Châu Âu để phục vụ lợi ích cho đảng của bà.
Lệnh cấm Le Pen đảm nhiệm chức vụ công trong 5 năm không thể bị hoãn lại do kháng cáo, mặc dù bà sẽ vẫn giữ ghế nghị sĩ cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ.
Bà cũng bị tuyên án 4 năm tù, trong đó 2 năm bị hoãn thi hành và 2 năm còn lại sẽ phải thi hành án tại gia, cùng với mức phạt 100.000 euro (khoảng 108.200 USD), nhưng những điều này sẽ chỉ được áp dụng sau khi kháng cáo của bà kết thúc.
Tuy nhiên, thay vì làm suy yếu cánh hữu cực đoan, phán quyết - sau khi bà bị kết tội tham ô - lại có thể làm mạnh thêm phong trào này, thổi bùng bất mãn của tầng lớp dân túy và đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc đảng Liên minh Quốc gia (RN) của bà.
Điều này có thể giúp RN thoát khỏi cái bóng Le Pen, một cái tên đã vừa gắn liền với bản sắc nhưng cũng gây khủng hoảng cho đảng trong suốt nhiều thập kỷ.
“Chúng ta nên hoan nghênh khi hệ thống tư pháp đưa ra phán quyết độc lập, nhưng ảnh hưởng của mạng xã hội mạnh mẽ đến mức niềm tin vào lãnh đạo đang thiếu trầm trọng. Liệu người dân cảm thấy hài lòng với phán quyết này hay chỉ cảm thấy thất vọng?”, bình luận viên về các vấn đề châu Âu của CNN, Dominic Thomas, nhận xét.
Nguồn Znews: https://znews.vn/tong-thong-trump-noi-gi-ve-phan-quyet-voi-ba-le-pen-post1542372.html