Tổng thống Trump phá truyền thống đại hội đảng ngay đêm đầu tiên
Đêm phát sóng đầu tiên của Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa (RNC) chỉ xoay quanh một nhân vật duy nhất: Tổng thống Donald Trump, dù ông xuất hiện hay người khác nói về ông.
"Tổng thống Trump là nhà lãnh đạo sẽ xây lại nước Mỹ Vùng đất Hứa và đảm bảo mỗi công dân có thể hiện thực hóa Giấc mơ Mỹ của họ!", Kimberly Guilfoyle - người phụ trách tài chính cho chiến dịch tranh cử, đồng thời là bạn gái của con trai tổng thống - hét to trước một khán phòng trống người. Đó là một trong những khoảnh khắc tiêu biểu của đêm đầu tiên Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa năm 2020.
Hãng tin AP đánh giá vai trò của ông Trump lấn át luôn cả những diễn giả chính trong ngày 24/8. Tổng thống Mỹ thể hiện rõ mong muốn cử tri tập trung vào ông và hình ảnh của ông sẽ xuất hiện thường trực xuyên suốt đại hội.
Có mặt khắp nơi
Từ cuối tuần trước, truyền thông Mỹ đã tiết lộ Tổng thống Trump có kế hoạch xuất hiện xuyên suốt 4 đêm phát sóng RNC 2020, có vị trí phát biểu nổi bật chứ không giới hạn trong vài khung hình và bài diễn văn chính thức nhận đề cử vào đêm cuối.
Theo truyền thống, ứng viên tổng thống các đảng chỉ xuất hiện một cách hạn chế một hoặc hai lần trong thời gian đầu đại hội toàn quốc. Có thể thấy điều này ở Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ (DNC) tuần trước với ứng viên Joe Biden. Cựu phó tổng thống Mỹ chỉ giữ vai phụ trong phần lớn thời gian sự kiện rồi trở thành tâm điểm trong đêm cuối cùng với bài diễn văn nhận đề cử.
Tổng thống Trump đã phá luôn truyền thống này. Ông xuất hiện 3 lần trong ngày 24/8, đăng tải liên tiếp trên mạng xã hội Twitter.
Cụ thể, ông diễn thuyết trước hàng trăm đại biểu đảng Cộng hòa trong sự kiện mở màn RNC ở Charlotte, bang North Carolina, vào buổi trưa. Đến chương trình phát sóng buổi tối, ông xuất hiện 2 lần: tiếp đại diện người lao động tuyến đầu chống dịch Covid-19 và trao đổi với những công dân Mỹ được giải cứu sau nhiều năm bị giam giữ ở nước ngoài. Cả hai lần đều có thời lượng đáng kể và sử dụng Nhà Trắng làm nơi ghi hình.
Truyền thông dự đoán ông Trump sẽ tiếp tục xuất hiện nổi bật trong 2 đêm phát sóng kế tiếp. Có khả năng ông sẽ "chia sóng giờ vàng" với bài phát biểu của Phó tổng thống Mike Pence và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump. Thậm chí, một số nhân sự đảng Cộng hòa bắt đầu lo ngại người dân Mỹ sẽ ngán khi hình ảnh tổng thống xuất hiện mọi nơi, theo AP.
Gây bất ngờ với hình ảnh đa dạng
Đảng Cộng hòa nổi tiếng là một đảng chính trị bảo vệ những giá trị bảo thủ, không phải "túp lều lớn" của sự đa dạng.
Tuy nhiên, trong đêm phát sóng đầu tiên, RNC đã giới thiệu 2 "ngôi sao" mới của đảng Cộng hòa là Thượng nghị sĩ South Carolina Tim Scott và cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley với một màu sắc khác. Cả hai chính trị gia lập luận tổng thống và đảng Cộng hòa đã giúp rất nhiều cho các cộng đồng thiểu số cả nước.
"Chúng ta sống trong một thế giới chỉ muốn bạn tin tưởng vào tin xấu, phân cực về chủng tộc, kinh tế và văn hóa", Tim Scott, thượng nghị sĩ da màu duy nhất trong đảng Cộng hòa, chia sẻ.
"Chúng tôi không tin vào kiểu văn hóa phủi sạch đó, hay còn gọi là niềm tin cực đoan - và vô căn cứ - rằng thực trạng hiện nay tồi tệ hơn thập niên 1860 hay 1960", Thượng nghị sĩ Scott đả kích ứng viên đảng Dân chủ sẽ biến nước Mỹ thành vùng đất không tưởng của cánh tả.
Bà Nikki Haley, cựu thống đốc bang South Carolina và là người Mỹ gốc Ấn, chỉ trích đảng Dân chủ không biết trân trọng cử tri thuộc cộng đồng thiểu số. Hai diễn giả cho rằng đảng Dân chủ đã không hành động đủ quyết liệt để ngăn chặn tình trạng vô pháp ở nhiều thành phố thời gian qua, giữa làn sóng phẫn nộ về cảnh sát lạm dụng vũ lực và phân biệt chủng tộc với người da màu.
"Nước Mỹ là một câu chuyện đang tiến bộ dần. Giờ là lúc để xây dựng trên những tiến bộ và giúp nước Mỹ tự do hơn, công bằng hơn và tốt đẹp hơn cho mọi người. Vì vậy, thật đau lòng khi đảng Dân chủ làm ngơ trước những bạo loạn và cuồng nộ", bà Haley nhấn mạnh.
Làn gió mới từ Thượng nghị sĩ Scott và cựu đại sứ Haley được đánh giá là chiến thuật tác động lên cử tri thuộc cộng đồng thiểu số. Chiến dịch tái tranh cử của ông Trump không quá kỳ vọng đông đảo thành viên nhóm này chuyển sang bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa, nhưng vẫn có khả năng khiến họ lung lạc và giảm lượng phiếu bầu cho ứng viên đảng Dân chủ.
Thông điệp vẫn nhắm vào nỗi sợ
Tổng thống Trump tuần qua chê bai DNC 2020 là "đại hội u ám, giận dữ và buồn bã nhất trong lịch sử Mỹ". Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên, các diễn giả của đảng Cộng hòa cũng gửi đi không ít thông điệp đánh vào nỗi sợ hãi của cử tri.
"Dù bạn sống ở đâu, gia đình của bạn sẽ không an toàn trong nước Mỹ của những người Dân chủ cực đoan", Mark và Patricia McCloskey, vợ chồng da trắng tại St.Louis bị cảnh sát bắt giữ hồi tháng 6 vì chĩa súng vào người biểu tình, nhấn mạnh trong bài phát biểu ở RNC.
Trong 2 phần xuất hiện của ông Trump tại Nhà Trắng, dù các cuộc giao lưu nhắm đến chủ đề một nhà lãnh đạo cảm thông và gần gũi với người dân lao động, tổng thống Mỹ vẫn tranh thủ công kích và cảnh báo cử tri về đảng Dân chủ. Trong cuộc giao lưu với đại diện người lao động tuyến đầu chống dịch, ông Trump cáo buộc đảng Dân chủ phá hoại ngành bưu chính và các thống đốc không tự lo được trang thiết bị y tế trước đại dịch.
Charlie Kirk, một nhà hoạt động bảo thủ, tuyên bố chỉ có chiến thắng của ông Trump mới "đảm bảo con em chúng ta được nuôi dưỡng với tình yêu nước Mỹ, chứ không thù ghét đất nước tươi đẹp này". Ông thậm chí còn gọi Tổng thống Trump là "người cận vệ của nền văn minh phương Tây".
Thượng nghị sĩ Tim Scott cũng dùng ngôn ngữ gây sốc không kém khi cáo buộc đảng Dân chủ đang vận động tranh cử dựa trên "một cuộc cách mạng văn hóa" với mục tiêu "thay đổi về căn bản cả nước Mỹ".
Theo AP, những lời cảnh báo u ám này là chiến thuật nhắm đến cử tri trung thành với đảng Cộng hòa và Tổng thống Donald Trump, tạo động lực để nhóm đi bỏ phiếu nhiều hơn. Ngoài ra, điều này sẽ khiến cử tri trung lập dù không ủng hộ ông Trump vẫn ngại bỏ phiếu cho ông Biden.