Tổng thống Trump tuyên bố giữ nguyên thời hạn ngày 9/7 của thuế đối ứng
'Không, tôi không nghĩ đến việc gia hạn. Tôi sẽ gửi thư đến nhiều quốc gia', ông Trump nói...

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Bloomberg.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/7 cho biết ông sẽ không xem xét lùi thời hạn 9/7 của việc áp trở lại thuế suất cao hơn của thuế đối ứng, đồng thời cảnh báo có thể cắt đàm phán thương mại và áp thuế quan cao hơn lên một số quốc gia trong đó có Nhật Bản.
“Không, tôi không nghĩ đến việc gia hạn. Tôi sẽ gửi thư đến nhiều quốc gia”, hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Trump khi được hỏi liệu ông có gia hạn thời gian đàm phán với các đối tác thương mại.
Ngày 8/7 sẽ là ngày cuối cùng của thời gian 90 ngày ông Trump hoãn thuế suất cao hơn của thuế quan đối ứng, dao động từ 11-50%, để đàm phán thương mại. Theo dự kiến, từ ngày 9/7, thuế suất cao hơn này sẽ áp trở lại đối với các nước chưa đạt thỏa thuận với Mỹ, thay cho mức thuế cơ sở 10% đã áp trong 90 ngày.
Thời gian qua, ông Trump đã nhiều lần cảnh báo sẽ áp thuế quan cao với những nước mà ông coi là khó đàm phán. Cố vấn kinh tế cấp cao nhất của ông Trump, ông Kevin Hassett, vào hôm thứ Hai tuần này phát tín hiệu rằng sẽ có một số thỏa thuận thương mại được công bố sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ 4/7. Đến hiện tại, Mỹ mới đạt được thỏa thuận khung về thương mại với Anh và Trung Quốc, trong đó có nhiều vấn đề chủ chốt còn chưa được giải quyết và không ít nội dung cụ thể cần được tiếp tục đàm phán.
Đàm phán thương mại giữa Mỹ và đồng minh thân cận bậc nhất của nước này ở châu Á là Nhật Bản dường như đang bế tắc. Gạo và ô tô đang nổi lên là hai vấn đề gai góc của cuộc đàm phán này.
Ngày thứ Ba, ông Trump tiếp tục chỉ trích Tokyo vì không nhập khẩu gọa Mỹ nhiều hơn. Ông cũng nhắc lại rằng thương mại ô tô giữa hai nước là không cân bằng. Nhật Bản cần phải “trả thuế quan 30%, 35%, hoặc bất kỳ con số nào mà chúng tôi quyết định, vì chúng tôi có thâm hụt thương mại rất lớn với Nhật” - ông Trump nói. Hồi tháng 4, ông Trump đưa ra mức thuế đối ứng 24% với hàng hóa Nhật.
“Tôi không chắc là chúng tôi có đạt được một thỏa thuận với Nhật hay không. Đàm phán với họ rất khó khăn”, ông chủ Nhà Trắng phát biểu.
Trong khi đó, ông Trump tỏ ra lạc quan hơn về khả năng đạt một thỏa thuận với Ấn Độ. Khi được hỏi về khả năng đạt một thỏa thuận thương mại Mỹ - Ấn vào tuần tới, ông Trump nói: “Có thể. Đó sẽ là một dạng thỏa thuận khác… Chúng tôi sẽ có một thỏa thuận với mức thuế quan thấp hơn nhiều”.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tuần này cho biết New Delhi sắp hoàn tất thỏa thuận với Mỹ, trong bối cảnh hai bên đang đẩy nhanh việc giải quyết các vấn đề gai góc bao gồm mức thuế quan dành riêng cho từng ngành hàng sắp tới và quyền tiếp cận thị trường cho các loại nông sản biến đổi gen từ Mỹ. Các cuộc thảo luận giữa giới chức hai nước đang diễn ra tích cực, và nhà đàm phán chính của Ấn Độ là ông Rajesh Agarwal đã ở lại Mỹ lâu hơn dự kiến để giải quyết các bất đồng.
Tuy nhiên, đàm phán thương mại giữa Mỹ với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác có vẻ chậm hơn, và ông Trump đã lấy Nhật Bản làm một ví dụ trong tuần này. Giới phân tích nhận định, việc ông Trump nhằm vào Nhật Bản có thể được coi là lời cảnh báo cho các quốc gia khác nên nhượng bộ Mỹ, nếu không sẽ bị áp thuế cao. Tuy nhiên, ông Trump cũng cho thấy ông sẵn sàng “quay xe” như trong trường hợp với Canada. Vào tuần trước, ông đã cắt đàm phán thương mại với Canada, rồi tái khởi động đàm phán sau khi Ottawa hủy bỏ kế hoạch thu thuế dịch vụ kỹ thuật số.
Những nỗ lực của Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shigeru Ishiba nhằm duy trì cách tiếp cận ổn định, thân thiện đối với các cuộc đàm phán đã và đang bị thử thách bởi việc ông Trump gây áp lực đi đến thỏa thuận. Tokyo đã thúc đẩy việc hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô - một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Nhật, cũng như tìm kiếm các biện pháp miễn trừ thuế quan khác, nhưng cách tiếp cận cẩn trọng này đã vấp phải thực tế là ông Trump muốn giành thắng lợi nhanh trên mặt trận thương mại.
“Tôi yêu Nhật Bản. Tôi thực sự thích Thủ tướng mới của Nhật”, ông Trump nói với báo giới. “Nhưng họ và những nước khác đã lợi dụng chúng ta trong 30, 40 năm nên thực sự rất khó để họ đạt được thỏa thuận”.