Tổng thống Trump tuyên bố nếu thua sẽ đưa kết quả bầu cử ra Tòa án Tối cao
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối cam kết chuyển giao quyền lực nếu thua trong cuộc bầu cử ngày 3/11 tới và cho biết kết cục có thể sẽ được quyết định tại Tòa án Tối cao.
“Chúng ta sẽ phải chờ xem điều gì xảy ra”, ông Trump trả lời các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 23/9 (theo giờ địa phương) khi được hỏi liệu ông có cam kết chuyển giao quyền lực nếu thua cử không.
Theo hãng tin Reuters, trong bối cảnh đang bị đối thủ Joe Biden dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận toàn quốc, ông Trump đã nhiều lần nghi ngờ về tính pháp lý của cuộc bầu cử, quả quyết rằng việc bỏ phiếu qua thư sẽ dẫn đến kết quả “gian lận”. “Cuộc bỏ phiếu là một thảm họa”, ông nói.
Phe Dân chủ đã khuyến khích bỏ phiếu qua thư như một hình thức bầu cử an toàn giữa đại dịch COVID-19. Họ cho rằng hàng triệu người Mỹ, trong đó đa số là binh sĩ quân đội, đã bỏ phiếu vắng mặt qua thư trong nhiều năm mà không xảy ra vấn đề gì.
Trong khi đó, trả lời các phóng viên tại Delaware, ông Biden cho rằng những bình luận của tổng thống về việc chuyển giao quyền lực là “phi lý”. Đội ngũ chiến dịch của cựu Phó Tổng thống Mỹ tuyên bố đã chuẩn bị cho bất kỳ chiến thuật nào từ ông Trump.
Ông Mitt Romney, một trong số hiếm những người chỉ trích Tổng thống Trump trong giới Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, đăng trên Twitter rằng: “Nền tảng của dân chủ là chuyển giao quyền lực hòa bình. Mọi dấu hiệu tổng thống có thể không tôn trọng điều được Hiến pháp bảo đảm này đều là không tưởng và không thể chấp nhận được”.
Vai trò của Tòa án Tối cao Mỹ trong giải quyết tranh chấp bầu cử
Sau cái chết của thẩm phán Tòa án Tối cao theo quan điểm tự do Ruth Bader Ginsburg hôm 18/9, Tổng thống Trump đang nhanh chóng xúc tiến đề cử người kế nhiệm. Hôm 23/9, ông cho biết cuộc bầu cử “sẽ kết thúc tại Tòa án Tối cao và tôi nghĩ việc chúng ta có 9 thẩm phán sẽ rất quan trọng”. Nhà lãnh đạo Mỹ dự kiến công bố đề cử thay thế thẩm phán Ginsburg vào ngày 26/9 này.
Sau đó, một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, diễn ra trước bầu cử, sẽ đảm bảo tỉ lệ thẩm phán bảo thủ (ủng hộ phe Cộng hòa) chiếm 6-3 tại Tòa án Tối cao. Điều này có khả năng sẽ gây rắc rối cho phe Dân chủ nếu như các thành viên của tòa án được triệu tập để giải quyết tranh chấp pháp lý xung quanh kết quả cuộc bầu cử ngày 3/11 tới.
Xung quanh vấn đề này, ông Trump phát biểu gay gắt: “Trò lừa đảo mà phe Dân chủ đang thúc đẩy, đó là một trò lừa đảo, trò lừa đảo này sẽ được đưa ra trước Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, và tôi nghĩ một tình huống 4-4 [tỉ lệ ủng hộ - phản đối tại Tòa án Tối cao] không phải là tình huống hay”.
Trong lịch sử chỉ duy nhất một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2000, giữa ứng viên George W. Bush của đảng Cộng hòa và Al Gore của đảng Dân chủ, được quyết định kết quả tại Tòa án Tối cao.
Trong khi đó, tại Charlotte, bang North Carolina, ứng cử viên Biden tuyên bố phe Cộng hòa đang “vi phạm căn bản” những gì mà các nhà lập quốc của nước Mỹ xây dựng khi nhanh chóng tìm cách lấp đầy ghế trống tại Tòa án Tối cao.
“Những gì họ đang làm là lạm dụng quyền lực, và tôi nghĩ chúng ta nên tập trung vào ý nghĩa của việc này với vấn đề y tế”, ông Biden nói, ám chỉ rằng một đa số bảo thủ trong Tòa án Tối cao Mỹ có thể dẫn đến hủy bỏ quyền nạo phá thai cũng như đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã chỉ định hai nhân vật bảo thủ ngồi vào vị trí trọn đời tại Tòa án Tối cao Mỹ, gồm ông Neil Gorsuch vào năm 2017 và Brett Kavanaugh vào năm 2018. Việc bổ nhiệm thành viên Tòa án Tối cao đòi hỏi được Thượng viện Mỹ xác nhận, và phe Cộng hòa hiện đang nắm 53/100 ghế Thượng viện.
Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell cho biết ông dự định sẽ ủng hộ bất cứ đề cử nào của Tổng thống. Đáp lại, phe Dân chủ cáo buộc ông McConnell “đạo đức giả”, chỉ ra rằng ông đã từ chối để Thượng viện xem xét ứng viên mà Tổng thống Obama đề cử vào vị trí trống tại Tòa Tối cao vào năm 2016 vì đó là năm bầu cử.