Tổng thống Ukraine lên truyền hình Australia... 'than thở' về Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, quốc gia Đông Âu có thể mất hàng chục triệu tấn ngũ cốc do Nga phong tỏa các cảng của nước này ở Biển Đen, gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Ngày 2/5, phát biểu trên chương trình truyền hình 60 Minutes của Australia, ông Zelensky cho biết: "Nga đang kiểm soát Biển Đen, không cho các tàu ra vào... Nga muốn phong tỏa hoàn toàn nền kinh tế của đất nước chúng tôi".
Ukraine là nhà xuất khẩu lúa mì lớn thứ 5 và là nhà xuất khẩu ngô, hạt hướng dương và lúa mạch trong top 3 thế giới. Năm 2021, sản lượng lúa mì của Ukraine đạt 40 triệu tấn, trong khi sản lượng của 3 loại ngũ cốc trên vào khoảng 50 triệu tấn.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Ukraine, nước này thường xuất khẩu lượng ngũ cốc và dầu hạt hướng dương lên tới 6 triệu tấn/tháng thông qua các cảng biển, song giờ đây những khu vực này đều bị chặn do cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Gián đoạn nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine đã đẩy giá lương thực trên thị trường thế giới tăng cao.
Trước đó, ngày 1/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho rằng, cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine đã khiến cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính ở châu Phi trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Senegal Macky Sall tại Dakar, ông Guterres cho biết đã thành lập Nhóm ứng phó toàn cầu để giúp huy động các cơ quan của LHQ, ngân hàng phát triển và tổ chức quốc tế khác nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng này, đặc biệt là ở châu Phi.
Người đứng đầu LHQ kêu gọi dỡ bỏ tất cả hạn chế xuất khẩu không cần thiết để thiết lập "dòng chảy lương thực và năng lượng ổn định" trong các thị trường mở cũng như để kiểm soát giá lương thực.
Theo ông, "sẽ không có giải pháp thực sự nào cho vấn đề an ninh lương thực mà không có sự tái hội nhập sản xuất nông nghiệp của Ukraine, cũng như sản xuất lương thực và phân bón của Nga và Belarus trên thị trường thế giới”.
Liên quan đến khủng hoảng năng lượng, ông Guterres kêu gọi tất cả các nước mở các kho dự trữ chiến lược và dự trữ bổ sung cho các nước có nhu cầu thông qua việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh: “Các tổ chức tài chính quốc tế cần khẩn trương đưa ra các cơ chế xóa nợ để thúc đẩy hoạt động thanh khoản và mở rộng không gian tài chính cho các nước đang phát triển.
(theo Reuters, THX)