Tổng thống Ukraine nêu cách giải quyết xung đột với Nga
Một giải pháp cho cuộc xung đột với Mátxcơva có thể đạt được nếu Kiev và các đối tác phương Tây thực hiện ba bước cần thiết, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói hôm 12/12 trong cuộc họp với đại diện các nước G7. Các bước này bao gồm tăng cường chuyển giao vũ khí, hỗ trợ phục hồi kinh tế và nỗ lực ngoại giao.
Trong một bài phát biểu trực tuyến, ông Zelensky nói với các đại diện G7 rằng để “thúc đẩy tiến tới hòa bình”, Ukraine cần “một lực lượng mới” và lực lượng này cần có thêm xe tăng, pháo, tên lửa tầm xa.
“Chúng ta phải duy trì sự ổn định về tài chính, năng lượng và xã hội trong năm tới”, ông Zelensky nói, đồng thời kêu gọi các thành viên G7 tăng cường hỗ trợ kinh tế cho Ukraine về năng lượng và tái thiết.
Bước thứ ba là “một chính sách ngoại giao mới”, ông Zelensky nói thêm. “Tôi đề xuất triệu tập một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt – Hội nghị thượng đỉnh Công thức Hòa bình Toàn cầu – để xác định cách thức và thời điểm chúng ta có thể áp dụng các điểm của Công thức Hòa bình Ukraine.”
Trước đó, ông Zelensky đã đề cập đến ý tưởng này trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Công thức tương tự đã được Tổng thống Ukraine trình bày tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11, trong đó bao gồm điều khoản khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, Nga rút quân và chấm dứt chiến sự”. Đề xuất này đã bị Mátxcơva từ chối thẳng thừng.
Ở thời điểm đó, ông Zelensky cũng tuyên bố rằng Ukraine không có ý định ký thỏa thuận Minsk mới, vì cho rằng Nga sẽ “vi phạm thỏa thuận ngay sau khi ký kết”.
Các thỏa thuận Minsk 1 và Minsk 2, hiện đã đổ vỡ, được ký kết vào năm 2014 và 2015 với sự dàn xếp của Đức, Pháp và Nga. Các thỏa thuận nhằm mở đường cho hòa bình bằng cách trao cho Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk một quy chế đặc biệt trong nhà nước Ukraine.
Hôm 12/12, Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý rằng Mátxcơva “chưa biết bất cứ điều gì về những nỗ lực tìm kiếm hòa bình của Tổng thống Zelensky”, đề cập đến đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu.
Trước đó, ông Peskov cho biết việc Tổng thống Ukraine bác bỏ thỏa thuận Minsk là động thái khẳng định Kiev không sẵn lòng đàm phán với Mátxcơva.
Dù vậy, Nga vẫn khẳng định nước này sẵn sàng đối thoại với Ukraine nếu nhận thấy thiện chí thực sự từ phía Kiev.