Tổng thống Ukraine thăm Mỹ: Chuyện cũ, người cũ có thành công?
Vẫn là gặp Tổng thống Joe Biden, vẫn là câu chuyện kêu gọi viện trợ vũ khí và sự trợ giúp nhưng chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraine diễn ra khi không ít người Mỹcảm thấy 'oải' với cuộc xung đột. Mong muốn của ông Zelensky thành hay bại vẫn là một câu hỏi cần thời gian trả lời.
Ba lý do cho chuyến thăm quan trọng
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến thăm Mỹ vào tuần trước để thực hiện hai cuộc gặp quan trọng.
Điểm dừng chân đầu tiên của ông là New York để phát biểu tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ). Sau đó, ông tới Washington để gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, các quan chức Lầu Năm Góc và các chính trị gia Mỹ trên Đồi Capitol.
Thời điểm tiến hành chuyến thăm của ông Zelensky rất quan trọng vì ba lý do.
Thứ nhất, Ukraine đang trong giai đoạn phản công lớn. Mặc dù Kiev đang có những tiến bộ nhưng tiến độ vẫn chậm hơn nhiều so với kỳ vọng của nhiều người. Hơn nữa, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine những vũ khí tầm xa cần thiết, tuy vậy lại có phần miễn cưỡng. Tổng thống Zelensky muốn thay đổi điều này.
Thứ hai, mùa Đông đang đến rất nhanh và ký ức về tình trạng mất điện và hệ thống sưởi do các cuộc không kích của Nga năm ngoái vẫn còn in sâu trong tâm trí nhiều người Ukraine.
Tuần trước, Nga đã tấn công mạng lưới điện của Ukraine lần đầu tiên sau nhiều tháng, khiến hàng nghìn người không có điện. Đây là lời nhắc nhở về mùa Đông năm ngoái đã khó khăn như thế nào và báo trước thử thách của mùa Đông sắp tới. Sau tên lửa tầm xa, ông Zelensky sẽ yêu cầu thêm hệ thống phòng không.
Cuối cùng, Quốc hội Mỹ sẽ sớm bỏ phiếu về việc có nên hỗ trợ thêm về quân sự và tài chính cho Ukraine hay không. Viện trợ bổ sung rất quan trọng trong những tháng mùa Đông, nhưng một số chính trị gia ngày càng hoài nghi việc gửi thêm viện trợ cho quốc gia Đông Âu. Do vậy, Tổng thống Zelensky đến Washington để cố gắng thuyết phục họ.
Năm nay, Tổng thống Zelensky đã trực tiếp phát biểu trước ĐHĐ với phần lớn nội dung tương tự như năm ngoái.
Bài phát biểu của ông cơ bản tập trung vào các mối đe dọa hạt nhân của Moscow.
Trước sự theo dõi của thế giới, ông nhân cơ hội tìm cách khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Thỏa thuận đã được Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào năm ngoái, cho phép vận chuyển ngũ cốc của Ukraine đến các nước trên khắp châu Phi, Trung Đông và Trung Quốc.
Trong gần một năm, ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu mà không có bất kỳ mối đe dọa nào từ Hải quân Nga. Kể từ tháng 7, Nga đã đình chỉ tham gia sáng kiến này, khiến an ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa.
Nhiệm vụ không dễ dàng
Sau New York, Tổng thống Zelensky đã tới Washington để thuyết phục các nhà hoạch định chính sách về việc viện trợ thêm cho Ukraine.
Đây là nhiệm vụ không dễ dàng. Ngày càng có nhiều thành viên Đảng Cộng hòa phản đối việc hỗ trợ thêm cho Ukraine. Tham gia cùng họ có một số đảng viên Đảng Dân chủ, những người ngày càng mệt mỏi với việc tiếp tục viện trợ quân sự - đặc biệt là sau quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong năm nay về việc cung cấp bom chùm cho Ukraine.
Tổng thống Zelensky đã dành hàng giờ để gặp gỡ các thành viên Quốc hội Mỹ. Ông cũng tham gia cuộc họp quân sự ngắn tại Lầu Năm Góc và gặp Tổng thống Biden tại Nhà Trắng.
Ông Zelensky kết thúc chuyến thăm của mình bằng bài phát biểu quan trọng tại Bảo tàng Lưu trữ quốc gia. Suốt chuyến thăm, ông cố gắng truyền tải thông điệp: Ukraine càng sớm nhận được vũ khí cần thiết thì xung đột càng sớm kết thúc.
Còn quá sớm để biết liệu chuyến thăm Washington của Tổng thống Zelensky có tác động đến các chính trị gia hoài nghi hay không. Tuy nhiên, có một cơ sở vững chắc để Mỹ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Bất chấp những ý kiến tranh luận trong Quốc hội, Mỹ có thể dễ dàng duy trì mức hỗ trợ hiện tại. Trong 19 tháng qua, viện trợ của Mỹ cho Ukraine chỉ chiếm khoảng 0,04% GDP.
Một số chính trị gia viện cớ người châu Âu chưa hỗ trợ đủ cho Ukraine để lập luận rằng Mỹ nên giảm viện trợ. Điều này không còn đúng nữa. Nếu gộp chung thì các nước châu Âu hiện đã cam kết chi nhiều tiền hơn Mỹ để giúp Ukraine. Tính theo phần trăm GDP, Mỹ xếp sau 20 nước châu Âu về viện trợ.
Một số người Mỹ cho rằng, viện trợ quân sự nhiều hơn làm trì hoãn các cuộc đàm phán hòa bình và kéo dài xung đột. Tuy vậy, cho đến nay, Điện Kremlin chưa thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy mong muốn có được một nền hòa bình thông qua đàm phán. Ngược lại, Moscow lại đang có dấu hiệu tăng cường chiến dịch tại Ukraine.
Như vậy, Tổng thống Zelensky đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ trong chuyến thăm Mỹ. Tuy vẫn phải xem liệu thông điệp này có được lắng nghe hay không thì "thành quả" trước mắt ông mang về Kiev là thông tin về một lô hàng vũ khí mới sẽ đến Ukraine “vào tuần tới” mà Tổng thống Mỹ đã nói hôm 21/9.
Tiêu điểm của đợt giao hàng mới là Ukraine sẽ nhận được lô hàng xe tăng Abrams đầu tiên do Mỹ sản xuất, có thể kèm theo đạn urani 120 mm.