Tổng thống Ukraine Zelensky chưa thành công trong việc kêu gọi sự ủng hộ của châu Á
Tờ Washington Post nhận định, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chưa thành công trong nỗ lực thu hút sự ủng hộ của các nước châu Á đối với công thức hòa bình của ông trước thềm hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ vào giữa tháng 6. Mátxcơva nói công thức này là không thực tế.
Hôm 2/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã xuất hiện tại hội nghị an ninh thường niên Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Ông đã gặp một số quan chức cấp cao trong khu vực, như Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto, Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong.
"Chúng tôi muốn châu Á biết chuyện gì đang xảy ra ở Ukraine. Châu Á ủng hộ việc chấm dứt xung đột", ông Zelensky nói trong một cuộc họp báo.
Tuy nhiên, theo tờ Washington Post, Kiev "không thể khuấy động ở châu Á nỗi lo lắng giống như ở phần lớn phương Tây". Tờ báo cho biết một phần lý do có thể là các quốc gia châu Á "từ lâu đã hoài nghi về việc phương Tây rao giảng trật tự quốc tế và các giá trị phổ quát”.
Washington Post dẫn lời ông Raja Mohan từ Viện Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết, lịch sử thế kỷ qua ở khu vực này là những lời nhắc nhở về việc các cường quốc phương Tây hành động vì lợi ích riêng của họ.
“Những người theo chủ nghĩa hiện thực trong số các lãnh đạo châu Á không bao giờ tin vào những lời hoa mỹ của phương Tây vì họ luôn biết sự khác biệt giữa những gì phương Tây nói và những gì phương Tây làm”, ông Raja Mohan nói.
Tổng thống Đông Timor - José Ramos-Horta cho biết ông đã gặp Tổng thống Ukraine Zelensky và xác nhận sẽ tham dự hội nghị ở Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, ông cũng than thở về việc thiếu sự đoàn kết trong khu vực về vấn đề Ukraine. "Ở phần lớn các nước Global South, nó được coi là một cuộc xung đột giữa châu Âu, Mỹ và Nga. Một phần điều này cũng liên quan đến sự khoan dung khó hiểu của Mỹ và châu Âu đối với chiến dịch của Israel nhằm vào người Palestine".
Đến thời điểm hiện tại, hơn 100 quốc gia cho biết sẽ cử phái đoàn tới hội nghị thượng đỉnh hòa bình do Thụy Sĩ đăng cai tổ chức. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ không tham gia. Còn Mỹ sẽ cử Phó Tổng thống Kamala Harris và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan.
Hồi tháng 4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả hội nghị sắp tới là “vô nghĩa” vì Mátxcơva chưa được mời. Người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov đã lập luận rằng “việc tập hợp và thảo luận nghiêm túc về cuộc xung đột Ukraine mà không có sự tham gia của Nga là điều vô lý”.